LỖI THƯỜNG GẶP KHI GIỚI THIỆU VỀ KHÁCH SẠN HAY KHI CHECK-IN
Thường khi đi tour nội địa, inbound hay outbound, việc thông tin về khách sạn mà khách hay đoàn khách lưu trú là một phần không thể thiếu trong nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch. Khách thường quan tâm đến vị trí của khách sạn nên thường hỏi hướng dẫn viên câu hỏi: khách sạn có gần trung tâm hay không?
Nhiều hướng dẫn viên theo ý chủ quan của mình mà trả lời dẫn đến sự hụt hẫng, thất vọng của du khách thậm chí sự so sánh dịch vụ hay hay hệ thống khách sạn của công ty mình với công ty khác. Nói chủ quan là vì ngay chính hướng dẫn viên cũng đứng trên quan điểm, góc nhìn và sự thuận tiện cá nhân mình mà phán khách sạn có nằm ở vị trí trung tâm hay không, trong khi đó, trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là ở đâu? Gần chợ Bến Thành hay Bưu điện Thành phố; gần sông Sài Gòn hay nhà hát Thành phố. Thành ra, mỗi du khách đều có kỳ vọng về vị trí của khách sạn để thuận tiện cho hoạt động nào đó hoặc gần một điểm tham quan nổi tiếng nào đó. Đi Myanmar thì hỏi có gần Shwee Dagon hay không! Đi Bangkok thì hỏi có gần Khao San hay không! Đi Kuala Lumpur thì hỏi có gần Tháp đôi KLCC hay ko!
Thứ nhất, theo quan điểm cá nhân của chúng tôi là ngược lại, tức là hướng dẫn viên nên đem trung tâm về gần vị trí của khách sạn thay vì đem khách sạn về gần trung tâm. Đem trung tâm về gần vị trí khách sạn nghĩa là xung quanh khách sạn có ATM, ngân hàng, chợ đêm, cửa hàng tiện lợi, trường học, trung tâm mua sắm, ga tàu điện ngầm, bến xe buýt, bến tàu, bưu điện, bệnh viện, nhà thuốc, đồn cảnh sát thì khách sạn chính là gần trung tâm. Tức là, thay vì ta xoáy vào cái vị trí địa lý lấy các điểm landmark làm điểm thì sẽ càng khiến du khách cảm thấy sao khách sạn của mình xa trung tâm thế.
Nhiều hướng dẫn viên cũng rơi vào tâm lý như vậy khi nhận chương trình thấy khách sạn nằm ở vị trí quận 5 lập tức suy nghĩ muốn ra trung tâm phải đi taxi chứ không thể đi bộ được. Chính suy nghĩ tiêu cực này được hướng dẫn viên truyền tiếp tục cho du khách để rồi bao nhiêu cái phiền hà có thể nảy sinh tiếp theo. Hướng dẫn viên nên chú trọng vào những cái tiện lợi, dịch vụ, những tích cực mà vị trí khách sạn ta có được để giới thiệu đến khách hơn là quá chú ý đến cái vị trí thực sự quan trọng đó là những dịch vụ tiện ích mà xung quanh khách sạn chúng ta có được.
Thứ hai, hướng dẫn viên nên dành thời gian (nếu được) để dẫn khách đi dạo xung quanh khách sạn nhằm định hướng chỗ nào có ATM, có nhà thuốc, có chợ đêm, có điểm vui chơi. Thậm chí, lên google map in bản đồ vị trí của khách sạn, phát cho mỗi gia đình để tiện việc tự khám phá. Nếu khách sạn có sẵn thì ta nên lấy từ lễ tân và bắt đầu giới thiệu cho khách. Đối với các điểm tham quan, hướng dẫn viên có thể nắm thông tin về dịch vụ Shuttle bus của khách sạn hoặc giá thành taxi để cho khách lựa chọn.
Ví dụ: ở Hội An, phần đông đều muốn ở gần phố cổ để tiện tham quan ngày đêm; nếu đoàn ta ở Silk Village thì ta có thể thông tin về dịch vụ shuttle bus vào phố cổ hoặc ra biển An Bàng, khách sạn có bản đồ cho khách. Hoặc khách đi taxi thì nên xuống chỗ bến xe Hoàng Diệu hay chỗ nào khác trên bản đồ và giá thành khoảng bao nhiêu. Hoặc khách nào năng động thích đi bộ thì việc thả bộ tập thể dục dọc theo đường Hai Bà Trưng trong khoảng 45 phút cũng là lựa chọn cho khách khám phá, nhất là vào những giờ tự do tham quan. Vấn đề thường là hướng dẫn viên chỉ căn cứ vào thuận tiện cho công việc của mình hay kế hoạch riêng của mình mà tước đi sự lựa chọn hay quyết định của du khách.
P/s: bài viết mang tính tham khảo và tuỳ theo mỗi hướng dẫn viên, mỗi địa điểm, mỗi đoàn mà vận dụng cho phù hợp.