Thiền sư – một cách tiếp cận cho bài thuyết minh
Khi đưa các đoàn khách đến tham quan các chùa, thiền viện, hướng dẫn viên thường xoay quanh các nội dung mà tôi đã chia sẻ ở bài trước. Tuy nhiên, các bạn cũng có thể tham khảo thêm một khía cạnh khác rất độc đáo của các Thiền sư nổi tiếng Việt Nam. Những nội dung hay kiến thức này, các bạn có thể tìm được qua các tác phẩm Thiền Uyển tập anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga; Thiền học Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục; Thiền tông Việt Nam của Thích Thanh Từ và đặc biệt là các bạn hướng dẫn viên, trưởng đoàn outbound có thể tham khảo thêm tác phẩm Thi tăng Đông Á của Phan Thị Thu Hiền vì có liên quan đến các nhà sư Hàn quốc, Nhật Bản và nhất là Hàn Sơn – vốn được biết đến với người bạn của mình là Thập Đắc và bài thơ lừng danh “Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế (đời nhà Đường):
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên.
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô Thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.”
Xin mượn danh xưng Thi tăng của cô Phan Thị Thu Hiền để nói một sự kết hợp tuyệt vời của Thi nhân và nhà sư, giữa Thơ và Thiền. Những tưởng nhà sư là xa rời trần tục tìm đường giải thoát, tránh xa những cám dỗ, những lãng mạn. Nhưng mấy ai hiểu được, nhà thơ và thiền sư nhìn sự vật hiện tượng nhưng đều không có ý chiếm hữu. Sự tham thiền ngộ đạo của Thiền sư và hoạt động thẩm mỹ của nhà thơ không chấp vào khái niệm. Thế nên, các hướng dẫn viên đều nhớ tới các câu thơ nổi tiếng của Mãn Giác thiền sư (1090):
“Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Hoặc Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã có bài “Cư trần lạc đạo phú” rất nổi tiếng.
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.”
Ngoài ra, các dòng Thiền từ Trung Hoa du nhập Việt Nam có thể kể đến như Tào Động và Lâm Tế cũng là nguồn kiến thức hay cách tiếp cận thu hút dành cho hướng dẫn viên du lịch. Những trước tác, thơ văn và nhất là những bài kệ theo kiểu phổ biến: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, dĩ tâm truyền tâm”. Hay những bài thơ, bài kệ, bài giảng về “chân như” hoặc “tiệm ngộ hay đốn ngộ” để mà hình thành những tác phẩm để đời không chỉ cho các vị ấy mà còn cho cả dòng Thiền.
Gần nhất, bài kệ truyền thừa nổi tiếng của dòng Lâm Tế chánh tông mà biết bao dòng tổ đã truyền lại, hướng dẫn viên có thể tham khảo để xây dựng bài thuyết minh ở chùa Giác Lâm hoặc ở những nơi tổ đình của dòng này tại các điểm tham quan.
” Đạo Bổn nguyên thành Phật Tổ tiên
Minh như hồng nhật lệ trung thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận từ phong thổ
Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền”.
Trên đây chỉ là những thí dụ về những Thi tăng danh tiếng của Việt Nam và có liên hệ đến các điểm tham quan và thuyết minh du lịch nội địa, quốc tế hay outbound để có thêm hướng tiếp cận, tránh bị khách nói: sao chương trình tham quan đi nhiều chùa quá chắc tại miễn phí, chứ chùa nào cũng thờ Phật, chùa nào cũng giống nhau. Thế mói có câu: “Hướng dẫn viên – linh hồn của chuyến đi”.