Bài thuyết minh về cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo

Bài thuyết minh về cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên tiếp cận như thế nào?

Trong quá trình giảng dạy, tôi phát hiện các bạn sinh viên lẫn HDV ra nghề gặp chút khó khăn khi tiếp cận giới thiệu về một cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo. Đó là: nhà thờ, chùa, miếu, đền, đình, thánh đường, v.v… Đa phần các bạn sẽ bắt đầu giống như bao nhiêu sách đã viết về công trình đó. Ví dụ như: chùa tên gì, ai xây dựng, năm nào, dòng truyền thừa, tượng Phật gì, các câu chuyện liên quan, kiến trúc, v.v… Có rất nhiều cách để tiếp cận 1 đối tượng mà chúng ta thuyết minh cho khách. Có HDV sở trường về tôn giáo sẽ trình bày về tôn giáo; sở trường về kiến trúc sẽ nói về kiến trúc chùa cổ; có bạn thích nghiên cứu về nghệ thuật Phật giáo thì trình bày về bài trí tượng thờ, các bộ tượng, các vị La hán, v.v…

Sau thời gian nghiên cứu, học tập và làm công việc hướng dẫn du lịch, tôi nhận thấy có 5 cách mà các bạn có thể tiếp cận 1 cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo để các bạn tham khảo, trau dồi thêm. Đó là:

1. “Thần phả” – Gia phả, nguồn gốc, sự tích, huyền thoại, truyện kể có liên quan đến vị thần, Phật, Thánh, Thần được thờ tự bên trong. Lưu ý: có thể là anh hùng dân tộc có thật hoặc nhân vật dã sử; có thể là nhiên thần (các vị thần trong tự nhiên: sông, suối, rừng, núi, …) hay nhân thần (Trương Định, Nguyễn Trung Trực hay Nguyễn Hữu Cảnh, …).

2. Giáo lý: các kinh sách như Tam tạng kinh điển của Phật giáo, Tân ước – Cựu ước của Công giáo La Mã hay Koran của Islam. Các tín điều, giáo luật, điều cấm kỵ, những nguyên tắc cơ bản nhất như: Tứ diệu đế; 10 điều răn hay 5 xác tín của Islam. Bạn có thể lựa chọn một phần, một chương, một mẩu chuyện mà bạn quan tâm, yêu thích hay một phần rất phổ biến mà đa phần các tín đồ hay không phải là tín đồ đều biết hay có nghe qua hay biết đến.

3. Tổ chức tôn giáo: Thế nào Tổ đình, Thiền viện, tu viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Tòa Thánh? Ai là người đứng đầu tôn giáo? Đứng đầu cơ sở thờ tự hiện nay là ai? Tổng giám mục, Giám mục, Linh mục hay Ông Cai quản của Cao đài là thế nào? Các cơ quan Hiệp Thiên đài là những ai?

4. Kiến trúc và nghệ thuật: Kiểu kiến trúc chữ Tam, nội công ngoại quốc, trùng thiềm điệp ốc hay ván mê chồng rường? Gothic hay roman? Thế nào là Thánh đường, Chánh tòa, Tiểu vương cung, đại vương cung Thánh đường. Lưu ý: nghệ thuật tạc tượng hay điêu khắc trang trí trong cơ sở cũng là một cách tiếp cận rất hay. Tượng tạc bằng đá hay gỗ, gỗ mít hay trầm hương, tạc theo phong cách nào? Tượng của ai? Vị này thế nào? Bộ tượng gì: Di đà Tam tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh, Chúa Ba ngôi, Ki-tô Vua, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ Mân côi, Nữ vương Hòa bình? HÌnh ảnh tượng có ý nghĩa gì? Trả lời những câu hỏi này là bài thuyết minh hấp dẫn.

5. Nghi lễ tôn giáo: các nghi thức hành lễ, các ngày lễ lớn của tín ngưỡng – tôn giáo hay của riêng cơ sở này mới có. Lưu ý: khi thuyết minh có thể nói theo 2 cách là thuyết minh tái hiện hay mô tả. Với kiến trúc thì ta có thể nhìn, lễ hội hay nghi thức thì ta sẽ mô tả về những ngày lễ lớn, tín đồ, giáo dân sẽ thực hiện những nghi thức gì? Chú ý: cân bằng thông tin vì nếu ta thuyết minh về ngày lễ hay quá có thể dẫn đến sự “tiếc nuối” trong lòng du khách vì họ ước gì sẽ có mặt đúng lúc đó.

Đó là 5 hướng tiếp cận, thuyết minh về cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo. Có thể phù hợp với tôi nhưng có thể không thích hợp với các bạn. Đồng thời, nhiều anh em sẽ đọc và cho rằng cái này phù hợp với HDV nội địa hay Trưởng đoàn Outbound nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu anh em Inbound có tài liệu, tư liệu và thấy những cách tiếp cận này phù hợp với kiến thức mình có thì có thể áp dụng thành công trên đường tour.Hi vọng các anh chị vận dụng thành công và sáng tạo cho bài thuyết minh của mình.