Bài thuyết minh hấp dẫn ở chỗ:
Một thực tế khi giảng dạy và hành nghề, nhất là thời điểm đầu năm học, các bạn sinh viên và HDV mới thường hỏi câu quen thuộc. “Thầy ơi (hay anh ơi) có tài liệu thuyết minh về điểm a, b hay c không?” “Hay có sách thuyết minh về địa phương này, địa phương nọ?”. Thậm chí, trên các group sinh viên hay nhóm kiến thức, chia sẻ thông tin vẫn có bạn còn post cả câu hỏi bài tập, tiểu luận, thảo luận hay chúng tôi thường bảo: “Dùng chiêu ông này, đấu chiêu ông kia”.
Thứ nhất, không có bài thuyết minh “chuẩn” hay “đầy đủ”.
Xin nhắc lại với các bạn là không có bài thuyết minh chuẩn hay đầy đủ cho từng điểm tham quan hay đối tượng. Nếu bạn mong muốn, chỉ trong một bài thuyết minh mà bạn có thể cung cấp hết tất cả những thông tin cần thiết về điểm hay chủ đề thì có lẽ bạn hơi “tham lam”. Ngoài ra, có thể chúng ta chưa biết rõ đối tượng khách của chúng ta quan tâm chủ đề nào: lịch sử, kiến trúc, tôn giáo, v.v… lại càng khiếm khi du khách nào đặt điều kiện, yêu cầu tới điểm tham quan đó, HDV “phải nói” thông tin đó. Có chăng là những câu hỏi nảy sinh trong quá trình HDV thuyết minh hoặc mong đợi HDV nói đến chủ đề đó hoặc hỏi “sâu hơn”. Cho nên, việc bạn mượn bài thuyết minh của ai đó hay đọc sách mà không chắt lọc thì chẳng khác gì bạn học thuộc lòng hay nói “giùm” người khác. Đồng thời, cùng 1 đối tượng sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau như bài trước tôi có trình bày. Việc học thuộc lòng sẽ khiến bạn bị áp lực khi trình bày vì lỡ quên một đoạn hay một dòng nào đó bạn sẽ ấp a ấp úng ngay lập tức. Thay vì vậy, bạn hãy tự lập dàn ý hay viết một bài thuyết minh theo ý riêng của mình, theo sở trường, sở thích của mình, theo những vấn đề mình quan tâm sẽ khiến bạn tự tin hơn khi trình bày. Điều quan trọng là: bạn hãy trình bày súc tích nhất, đừng dây dưa mà không có trọng tâm, không có chủ đề, không có chính kiến của mình, không có mở bài thân bài và kết luận. Kết luận là đóng lại chủ đề mình đang nói và gợi mở cho đề tài tiếp theo.
Một lỗi mà các HDV thường mắc phải đó là: trình bày quá nhiều đề tài trong một đề tài. Ví dụ: Chùa Giác Lâm được xây dựng năm 1744 do Lý Thuỵ Long người Minh Hương xây dựng. Thay vì, bạn tiếp tục khai thác thông tin về chùa Giác Lâm thì bạn lại đi nói một chủ đề thứ hai đó là: người Minh Hương là những ai?.
Lỗi thứ hai là khi nhận được câu hỏi, HDV sẽ say sưa giải đáp câu hỏi của 1 – 2 vị khách mà quên đi nhu cầu chụp ảnh, mua sắm hay tự do của những khách còn lại dẫn đến sự không thoải mái, mệt mỏi, chán chường của cái cảm giác đang trên lớp chứ không phải đang đi tour. Thay vì thế, HDV có thể quan sát và khéo léo sắp xếp giải đáp câu hỏi bằng cách trả lời trên xe hay offline riêng với khách. Mặt khác, việc HDV trả lời tốt hầu như tất cả câu hỏi của khách sẽ dẫn đến 2 hướng: 1 là HDV “tự mãn” với kiến thức của mình và 2 là khách có thể sẽ hỏi những câu mang tính “bắt bí” để gây khó dễ cho HDV.
Thứ hai, xác định bài thuyết minh nói khi nào? ở đâu?
Trên đường tour, bạn có thể sắp xếp hai bài thuyết minh: một bài thuyết minh trên xe, khơi gợi sự tò mò về điểm sắp đến và những chi tiế, dặn dò, chú ý nhằm phục vụ cho hoạt động tham quan; một bài thuyết minh tại điểm để dẫn dắt và phục vụ tham quan. Lưu ý: thường thì du khách sẽ không chịu đứng yên và lắng nghe, dù bạn có thuyết minh hay thế nào đi nữa thì khách cũng chỉ đứng cùng bạn 10-15 phút. Họ sẽ bị những cảnh quan tươi đẹp, những công trình kỳ vĩ và những món quà lưu niệm hấp dẫn mà giảm đi sự chú ý vào bài thuyết minh của bạn. Cho nên, khách không cần bài thuyết minh như giáo viên đang giảng trong lớp; cũng không cần một HDV không khiêm tốn, khoe khoang kiến thức của mình mà cần một HDV biết cân bằng lượng kiến thức cung cấp; giải đáp thắc mắc về kiến thức một cách khoa học thì sẽ thành công hơn.
Tóm lại, đọc xong một tài liệu, một quyển sách, các bạn nên đóng lại, tóm tắt, chắt lọc, kiểm chứng thông tin và thử hỏi bản thân: cuốn sách này đã cung cấp cho ta điều gì? Có thể thực hành bằng cách, lấy tờ giấy A4 và viết ra những điều đọng lại trong đầu mình. Đồng thời, xem những kiến thức này có thể bổ sung hay kết hợp với những kiến thức sẵn có về đối tượng đó hay không? Cái thời cách làm việc theo kiểu truyền thống, bằng thuộc lòng, bằng đọc sách, bằng khoe khoang kiến thức dần dần không còn phù hợp nữa mà cách làm việc thông minh, khoa học, biết cân bằng giữa thuyết minh và thời gian tự do, biết đưa ra những lựa chọn cho khách đã trở nên hiệu quả hơn. Điều đó có nghĩa là công nghệ 4.0, du khách biết về điểm đến đó ít nhiều, còn lại là HDV sẽ nói gì và cân bằng thế nào cho phù hợp! Chúc các bạn thành công!
SMART WORKING!