Hướng dẫn viên có phải là nhà nghiên cứu
Chắc chắn ai cũng sẽ đồng ý rằng: kiến thức và trau dồi kiến thức là điều cần thiết hoặc không thể thiếu của một hướng dẫn viên du lịch. Mỗi hướng dẫn viên du lịch sẽ có cách cập nhật kiến thức, thông tin thêm theo kiểu riêng của mình. Ngoài ra, mỗi người lại tùy theo khả năng diễn đạt, trình bày, sở trường của mình đồng thời tùy theo nhu cầu của khách mà chọn lọc ra những nội dung, những thông tin để truyền đạt đến du khách những điều hay, đẹp và thú vị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực tế làm hướng dẫn viên du lịch từ nội địa đến quốc tế và nay lại công tác trong lĩnh vực giáo dục, trực tiếp giảng dạy cho các bạn sinh viên du lịch của nhiều trường, tôi thấy các bạn trẻ thường hỏi tôi: “Thầy có bài thuyết minh về điểm tham quan hay chủ đề này không ạ?”. Ngay trong các chuyến thực tế tour tuyến, tôi cũng thấy nhiều bạn soạn ra bài hẳn hoi, có bạn thì viết tay, có bạn thì sao chép trên wiki hoặc google rồi in ra giấy A4, cầm theo để đọc, để học và thậm chí học thuộc lòng. Tôi không phản đối việc các bạn tìm kiếm tư liệu, tài liệu trên mạng internet hay từ bất cứ nguồn nào. Tôi CHỈ KHUYÊN các bạn không nên soạn ra và học thuộc lòng như thế. Thực tế cho thấy, việc lệ thuộc vào bài soạn sẵn hay nhớ cả đoạn văn xuôi dài vài trang giấy là điều không dễ dàng. Chưa kể, trên đường di chuyển, tâm lý và những tác động từ ngoại cảnh có thể khiến bạn “quên” và “đứng hình” tại chỗ. Chưa kể, dù bạn có thuộc lòng và trình bày suôn sẻ, trôi chảy đi nữa thì đó cũng là ý, là thông tin, là kiến thức của tác giả, của người khác và các bạn cũng chỉ là người “nói hộ” hay “phát ngôn hộ” mà thôi. Chính từ những việc này mà không ít người cho rằng hướng dẫn viên không cần phải là nhà nghiên cứu mà chỉ cần đọc nhiều, nhớ dai và nói tốt là đủ. Hiện tại cũng không còn nhiều hướng dẫn viên có kiến thức tốt mà chủ yếu là hoạt náo, ca hát và chụp ảnh làm vui lòng khách là đủ rồi. Thậm chí, có người còn cho rằng: mọi thứ có người viết sách sẵn rồi, chỉ cần học thuộc mà thôi hay như “đào mồ, cuốc mả lịch sử” mà thôi.
Thêm một việc cần phải nói với các bạn, đó là: “hãy nghe nhưng đừng tin vội”. Thiền sư Bạch Ấn có câu: “Đại nghi, đại ngộ, tiểu nghi, tiểu ngộ, bất nghi, bất ngộ”. Dịch đại khái nghĩa là: mình nghi vấn, mình tìm hiểu thì mình sẽ ngộ ra kiến thức hay chân trời rộng mở. Còn nếu, mình mặc định mọi việc đều diễn ra như thế hay “thần tượng” một giáo viên, một hướng dẫn viên đàn anh tài giỏi, có thâm niên trong nghề thì sẽ dẫn đến “mình tin như sấm” tất cả những gì “thần tượng mình” trình bày. Vì sao lại như thế? Bởi vì, tất cả các bài soạn, tư liệu của “thầy đó, anh đó, chị đó” đều mang tính chủ quan và sở thích của người trình bày mà thôi, không có tính khách quan khoa học. Đồng thời, trong Mỹ học tiếp nhận còn có khái niệm “chân trời chờ đợi” tức là mình chỉ đọc, chỉ tin, chỉ tìm những tác giả, những thông tin mình thích, mình có thiện cảm, chứ ít người tìm đọc đến những tác giả hay những thông tin “đi ngược hay trái ý” của mình. Có chăng chủ yếu để “bới lông tìm vết” hay “vạch lá tìm sâu” mà thôi. Cụ thể, nói về đề tài Champa chẳng hạn nên tìm nhiều nguồn, nhiều tác giả từ nước ngoài trước đây như Maspero cho đến trong nước như Nguyễn Tấn Đắc, Ngô Văn Doanh, Sakaya rồi từ những công trình này, các bạn đúc kết, tổng hợp lại để hình thành một “sở thích” của mình khi trình bày về Champa. Đó có thể là lịch sử, văn hóa vật chất – tinh thần, lễ hội, âm nhạc, ngôn ngữ, v.v… chứ không nhất thiết chỉ là một lĩnh vực hay một chủ đề. Việc tham khảo nhiều nguồn, nhiều công trình sẽ khiến cho chúng ta có cái nhìn tổng thể, khách quan, tránh việc nhận định chủ quan, một phía và lợi thế nhất là nội dung thông tin của các bạn sẽ phong phú, đa dạng và có sức hấp dẫn cao. Nhiều bạn còn có thể tổng quát và đưa ra chính kiến hay suy luận, giả thuyết của mình sau khi tổng hợp, sưu tầm từ nhiều nguồn nêu trên.
Bên cạnh đó, việc có sẵn một bài thuyết minh cho tất cả mọi đối tượng khách sẽ khiến cho bản thân hướng dẫn viên dễ “nhàm chán” và mất đi động lực, đam mê trong lao động “đặc thù này”, vừa là giáo viên, vừa là diễn viên. Đồng thời, các bạn sẽ nghĩ như thế nào nếu như những bài thuyết minh hay những thông tin mà du khách đã từng nghe 1 hướng dẫn viên thế hệ 7X, 8X thuyết minh mà đến nay thế hệ 9X hay GenZ vẫn còn sử dụng.
Vậy bạn nên làm như thế nào?
- Bạn có thể tìm trên mạng để biết về điểm tham quan đó hay những bài viết về chủ đề đó mục đích để biết nó là cái gì? Hay các tác giả viết về nó như thế nào? Cũng như, cách tiếp cận vấn đề của các tác giả đó?
- Bạn hãy viết lại những điều mình học được hoặc mình tâm đắc nhất sau khi đọc những tài liệu, tư liệu đó nhiều lần mục đích để tìm ra điều thú vị của điểm tham quan đó hoặc tìm ra sở thích nghiên cứu của mình là lĩnh vực nào: địa lý – lịch sử – văn hóa – kinh tế – thể thao?
- Tổng hợp lại những thông tin, những nội dung về điểm tham quan, chủ đề đó theo từng gạch đầu dòng và nhận xét xem những thông tin đó chỗ nào chính xác, chỗ nào còn thiếu sót và ý kiến của mình về chủ đề đó.
- Khi trình bày, trích dẫn cần nêu rõ nguồn tư liệu, tài liệu nào để tăng tính xác thực, độ tin cậy của thông tin mình nêu ra. Chú ý, mỗi loại tài liệu hay tư liệu đều mang tính chủ quan hay sở trường nghiên cứu của tác giả cho nên việc chúng ta sử dụng nội dung nào phù hợp với chủ đề mình trình bày hay cách mình tiếp cận.
- Khi các bạn đã có “sơ đồ thông tin” như trên, mỗi khi đọc một tác phẩm hay một công trình nghiên cứu mới, các bạn đã có sẵn bộ tiêu chí để so sánh, kiểm chứng và cập nhật ngay vào những phần mình còn thiếu hoặc đang tìm.
Nếu bạn làm được những điều nêu trên thì các bạn đang làm công việc nghiên cứu khoa học rồi đấy. Hiện nay, nhiều chương trình đào tạo có môn Phương pháp nghiên cứu khoa học. Vậy các bạn nên tham khảo, đúc kết rồi tìm cho mình 1 phương pháp thật sự phù hợp nhé! Tóm lại, đọc cứ đọc, tham khảo cứ tham khảo, xin đừng HỌC THUỘC LÒNG mà hãy thuyết minh từ những gì mình có trong kho tàng kiến thức của riêng mình! Chúc các bạn thành công!
P/s: Bài viết chỉ nêu ý kiến riêng của tác giả. Bạn đọc không nhất thiết phải đồng ý với quan điểm này! Trân trọng!