Thi tăng Thiền phái Trúc Lâm

Mục lục

Thi tăng Thiền phái Trúc Lâm

Đặt vấn đề

Nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, không ít lần được thăm viếng hay đưa khách đến những Thiền viện Trúc Lâm ở nhiều địa phương trong cả nước. Thế nhưng, khi trở thành giảng viên hay du khách, tôi lại được nghe các bạn thuyết minh trình bày những nội dung mà tôi đã thuyết minh hay những nội dung “xưa cũ” từ hơn 20 năm trước. Có thể nói, dù thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng nội dung thuyết minh vẫn không có gì thay đổi.

Điều này tưởng chỉ xảy ra với tour nội địa, không ngờ, ngay cả tour du lịch nước ngoài cũng tương tự như thế. Đơn cử, tuyến Tô Châu – Hàng Châu, chương trình tham quan có ghé đến ngôi chùa Hàn Sơn nổi tiếng. Ngoài câu chuyện Hàn Sơn – Thập Đắc và bài thơ “Phong kiều dạ bạc” là nội dung chính, những thông tin khác hầu như không có gì khác so với 20 năm qua.

Ở đây, tôi không nói đến việc: những nội dung trên là nội dung chính của điểm tham quan, không nói đến thì nói cái gì. Cũng như, tôi không có ý chê bai những HDV mới hay cũ về kiến thức hay kinh nghiệm hay kỹ năng. Tôi chỉ muốn nói đến việc tìm tòi, học hỏi và cách tiếp cận mới để làm phong phú hơn nội dung thuyết minh. Chắc có bạn sẽ nói: ai mà thèm nghe? Du khách lao vào chụp hình chứ ở không đâu mà nghe. Quan điểm của tôi, cách tiếp cận vấn đề và cách trình bày hấp dẫn sẽ thu hút du khách lắng nghe HDV nhiều hơn. Nên nhớ, có nhiều khách đã đi đến những điểm này nhiều lần, với nhiều công ty và nhiều HDV khác nhau, thậm chí, già dặn hơn, giỏi hơn. Cho nên, du khách cảm thấy những nội dung HDV trình bày không có gì khác, không có gì mới và các anh chị HDV cũng chỉ có 1 bài thuyết minh chung mà thôi.

Thi tăng Trần Nhân Tông (Điều ngự giác hoàng)

Xin phép được dùng Thiền viện Trúc Lâm để làm ví dụ. Thay vì, chúng ta sử dụng câu chuyện của Phật hoàng Trần Nhân Tông (Điều Ngự Giác Hoàng) hay của cả Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang hay lịch sử hình thành, kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh Niêm Hoa vi tiếu, tôi sẽ tiếp cận đến những bài thơ mang đậm chất thiền của các vị tổ này.

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (Trần Nhân Tông)

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Ngoài ra, bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca cũng là một tác phẩm nổi tiếng. Nếu có thể, quý vị có thể tìm hiểu thêm giải nghĩa để cung cấp thêm kiến thức cho bản thân mình.

Thi tăng Huyền Quang (1254 – 1334)

Ngài tên là Lý Đạo Tái, xuất thân gia đình nhiều đời làm quan. Bản thân ông cũng làm quan trong Viện Hàn lâm dưới triều Trần. Ông có ý định từ quan, đi tu 3 lần nhưng mãi năm 1305, Trần Anh Tông mới chấp thuận và ông đã thọ giới, theo học với Thiền sư Bão Phác năm ông đã 51 tuổi. Sau này, ông đã trở thành vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khi đã ngoài 70 tuổi.

Ngài là tác giả của bài “Vịnh Vân Yên tự phú”, cùng với 2 bài trên của Trần Nhân Tông thành 3 tác phẩm chữ Nôm xưa nhất trong văn học trung đại Việt Nam.

Ở đây, tôi không đi sâu vào phân tích các bài thơ nói trên, tôi muốn nhấn mạnh: vì sao một Trương Kế với bài Phong kiều dạ bạc có câu: “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” lại được nhắc đến còn Huyền Quang với “Địa lô tức sự” (Trước bếp lò tức cảnh) lại còn chưa được biết đến:

“Ổi dư cốt đột tuyệt phần hương

Khẩu đáp nhi đồng vấn đoàn chương

Thú bả suy thương hòa thái thác

Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang.”

“Củi tàn, thôi chẳng thắp thêm hương,

Miệng đáp gia đồng hỏi mấy chương.

Bận bịu cho ai cười chế lão,

Liền tay ống thổi với mo nang”. (Huệ Chi dịch, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, trang 688).

Cũng tương tự như vậy, người ta ít nhiều nghe nói đến chuyện hàm oan của ông với nàng Điểm Bích nhưng lại ít người nghe đến bài thơ “Nhân sự đề Cứu Lan tự”:

“Đức bạc thường tàm kế tổ đăng,

Không giao Hàn, Thập khởi tăng oan.

Tranh như trục bạn quy sơn khứ,

Điệp chướng trùng san vạn vạn tầng.”

“Đức mỏng, thẹn thùng đèn tổ nối,

Luống cho Hàn, Thập nổi hờn căm.

Chi bằng theo bạn về non quách, 

Núi dựng non che vạn vạn tầng.” 

(Hoàng Trung Thông dịch, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, trang 689).

Điều hay nhất chính là bài thơ cũng có nhắc đến Hàn, Thập – tức Hàn Sơn, Thập Đắc trong Hàn Sơn tự và bài thơ Phong kiều dạ bạc kể trên. Thậm chí, trong bài thơ Phiếm chu (Chơi thuyền) câu cuối cùng: ” Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương”. Chao ôi, nghe cứ na ná như “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” vậy!

Cũng tương tự, nếu như hình ảnh Niêm Hoa Vi Tiếu gợi nhắc đến khái niệm “Dĩ tâm truyền tâm” thì giữa 2 vị tổ Pháp Loa – Huyền Quang cũng có câu chuyện “Dĩ tâm truyền tâm” khi Pháp Loa bệnh và Huyền Quang đến thăm viếng. Bằng những câu hỏi, Huyền Quang chẳng những giúp cho Pháp Loa khỏe lại, sống thêm được nhiều ngày mà còn giúp Pháp Loa “ngộ”. Nói đến đây, chợt nhớ cuốn “Duy Ma cật sở thuyết kinh” khi Ngài Văn Thù đến thăm Duy Ma Cật bệnh cũng có đôi lời đối đáp tạo thành bản kinh tuyệt vời.

Kết luận

Nói tóm lại, là HDV du lịch, bạn nên làm mới nội dung thuyết minh của mình theo hướng sáng tạo, hấp dẫn, có dẫn chứng và có mục dích rõ ràng. Đừng chạy theo những nội dung gây tò mò, hiếu kỳ, chưa kiểm chứng cũng như chẳng rõ mục đích bạn nói điều đó ra để làm gì. Bằng cách tò mò, tự tim tòi học hỏi sẽ khiến bạn tiến xa trong công việc và quan trọng nhất là, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy nhàm chán với công việc mình đang làm: hướng dẫn viên du lịch.