Những bài viết trước, mình đã chia sẻ những kinh nghiệm mình áp dụng trong hơn 20 năm trong nghề hướng dẫn viên du lịch, từ HDV nội địa đến HDV quốc tế.
Có thể, bài viết còn nhiều điều tranh cãi về nhiều mặt. Nhưng đối với mình, mình áp dụng và thành công. Tuỳ theo cách nhìn, cách vận dụng để bạn có thể thành công theo cách riêng của mình. Tóm tắt lại những điều cần lưu ý trong bài thuyết minh như sau:
- Bài thuyết minh có thể phân làm 2 loại: bài thuyết minh trên xe; khi còn cách điểm tham quan 15 phút trở lên, các bạn có thể bắt đầu giới thiệu về điểm đến. Xoay quanh các nội dung: chúng ta sắp tham quan cái gì? Tại sao nó hấp dẫn để khơi gợi sự tò mò từ du khách? Cách tham quan điểm đó thế nào? Lưu ý: phân biệt bài thuyết minh trên xe với thông tin du khách cần chuẩn bị khi tham quan điểm đó. Như là: tham quan bao lâu, có đem nước theo, ô, mũ, chụp hình có được hay không? Các hoạt động gì ở điểm đó? Cần nêu rõ các bước để du khách phần nào định hình quá trình tham quan. Còn bài thuyết minh tại điểm cần chú ý nội dung trình bày, cân bằng thời lượng tham quan và sự quan tâm của du khách. Chú ý: tốc độ nói và di chuyển khi tham quan; vị trí đứng thuyết minh và hãy chờ đoàn khách đến tập hợp đầy đủ, sẵn sàng để quan sát đối tượng và nghe thuyết minh.
- Bài thuyết minh có thể có 2 cách: cách mô tả phù hợp với đối tượng tham quan trước mắt, có thể thưởng thức bằng 5 giác quan; cách tái hiện phù hợp với các công trình hay lễ hội mà thời gian đã đổ nát, hư hỏng nhiều hay thời điểm tham quan không có lễ hội nào diễn ra hoặc tái hiện trận đánh nổi tiếng trong lịch sử tại địa điểm đó.
- Bài thuyết minh có 2 yếu tố: tính khoa học và tính nghệ thuật. Ngoài những thông số chính xác về địa lý, lịch sử, tiểu sử, v.v… thì những bài hát, vần thơ, ca dao tục ngữ hay điện ảnh liên quan đến điểm đến cũng là cách thu hút du khách vào bài nói của mình. Khi đưa khách đến tham quan đảo Nami, HDV có thể kể sơ qua câu chuyện phim Bản tình ca mùa đông kết hợp với bài hát nhạc phim, những trích đoạn nổi tiếng về phim đó (download từ youtube về điện thoại rồi chiếu lên tivi của xe) nhằm tăng thêm sự tò mò cho du khách, nhất là những khách chưa từng xem qua.
- Bài thuyết minh không nên quá dài, từ 10 đến 15 phút để còn cho khách tham quan chụp hình mua sắm. Có thể biến đề tài từ rộng đến hẹp dần hoặc nếu có đủ kiến thức thì sẽ nói sâu hơn. Ngoài ra, cũng có thể áp dụng: khi thuyết trình, nên nói những ý chung và để ngỏ những điều hấp dẫn nhất để cho du khách tò mò hoặc du khách sẽ hỏi mà ta đã có sẵn câu trả lời cho vấn đề đó. Để làm được điều này, HDV cần chú ý chắt lọc thông tin và chỉ thuyết minh một chủ đề một lần; không nên “tham lam” muốn nói nhiều đề tài trong một lần nói. Bài nói cũng cần có mở bài, thân bài và kết luận. Phần kết luận nên để mở để có thể liên kết tiếp tục với những phần thuyết minh sau đó. Kết thúc, nên tóm lại ý kiến của mình và gợi mở cho chủ đề tiếp theo. Việc xây dựng bài thuyết minh có tính liên kết trước sau sẽ tăng phần hấp dẫn, chuyên nghiệp cho chúng ta.
- Bài thuyết minh có dẫn nguồn, tác giả, tác phẩm, năm xuất bản và biên soạn phù hợp với đam mê, sự quan tâm, chủ đề chuyên môn yêu thích của chúng ta thì sẽ nhận được sự ủng hộ, chú ý lắng nghe và chính là cách để tạo thương hiệu cho chính mình.
Xin phép nhắc lại, đây là những ý kiến kinh nghiệm của mình đã đúc kết và học tập qua nhiều sự cố, nhiều tình huống trước đó, hi vọng phần nào giúp ích cho các bạn HDV, nhất là các bạn mới vào nghề.
Chúc các bạn thành công!