Có một ngôi tháp giống như các Tháp Chăm miền trung nhưng chỉ cách Sài Gòn khoảng 70 km đó là Tháp Cổ Bình Thạnh, tọa lạc trên tỉnh lộ 786, xã Bình Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh.
Gửi đến bạn đọc tham khảo, một tháp Cổ ở Tây Ninh
Tháp Cổ Bình Thạnh được xây bằng gạch, cao hơn 10m, nằm trên một gò đất về phía hữa ngạn sông Vàm cỏ. Theo các nhà khảo cổ học, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ IX, thuộc hậu kỳ văn hóa Óc Eo.
Dù chúng ta từng nghe Tháp Chăm là tên gọi khá quen thuộc, nhưng chủ yếu ở miền trung. Tại Tây Ninh dù có một cộng đồng người Chăm từng định cư sinh sống ở đây đến ngày nay, nhưng chắc chắn không phải là tổ tiên họ đã xây tháp, mà người Chăm Tây Ninh vẫn là dân cư đến đây từ hơn 300 năm trước dưới thời Chúa Nguyễn, và chủ yếu họ theo Hồi Giáo.
Các đền tháp Chăm tại miền trung, và kể cả Tháp cổ Bình Thạnh cũng vậy, đây là công trình người xưa xây dựng để thờ Thần theo đạo Hindu (Bàlamôn).
Vậy ai là chủ nhân của Tháp cổ Bình Thạnh?
Theo tài liệu khảo cổ học từ thời người Pháp nghiên cứu, miền nam Việt Nam gắn liền với văn hóa Óc Eo. Đây là ngôi tháp của một dân tộc cổ, họ từng hình thành nên một quốc gia cổ đại có tên là Phù Nam (theo sử Trung Quốc), cũng gọi là Phu-nan theo âm tiếng Khmer.
Người Phù Nam được biết họ lập nên quốc gia cổ ở vùng tây nam bộ từ thế kỷ thứ II. Đến thế kỷ thứ V từng mở rộng lãnh thổ đến tây bắc Campuchia và bán đảo Mã Lay. Vương quốc Phù Nam theo đạo Bàlamôn (Ấn Độ giáo) thuộc trường phái thờ Vishnu. Di tích đền tháp Thờ thần của đạo Bàlamôn được tìm thấy ở Thoại Sơn (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Vĩnh Hưng (Bạc Liêu), Bình Tả (Đức Hòa – Long An)… là minh chứng cho nền văn hóa tín ngưỡng của dân tộc cổ đại nầy.
Tuy nhiên, qua hơn 1000 năm dật đổi sao dời và biến thiên của lịch sử, vương quốc phù nam bị suy tàn và diệt vong bởi chiến tranh xâm lượt của Đế chế Khmer (?). Nhưng nền văn hóa rực rở của họ một thời (thành lũy, đền tháp) lại bị diệt vong một cách bí ẩn… Vì sao một nền văn minh cổ đại lại bị xóa sổ một cách bí ẩn? Vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp đến ngày nay.
Tháp cổ Bình Thạnh là ngôi tháp nhỏ so với các tháp chăm tại miền trung, nhưng là ngôi tháp còn sót lại khá nguyên vẹn ở nam bộ. Những viên gạch xây tháp đã tồn tại qua được hơn ngàn năm vẫn còn là điều làm đau đầu các chuyên gia hiện đại. Dù có lẽ nơi nầy là một cụm gồm 3, 4 đền tháp, nay chỉ còn duy nhất một tháp, cửa chính quay về hướng đông.
Phía bắc còn một nền gạch nhưng di tích tháp không còn, xung quanh tháp từng được các nhà khảo cổ pháp hiện bệ tượng bằng đá và các họa tiết điêu khắc đá.
Phía đông bắc tháp là ngôi Đình Bình Thạnh được dựng nên, vì người Việt tin rằng tháp là nơi thờ thần linh của người cổ. Nên đình là nơi kế thừa tín ngưỡng xưa, trở thành nơi thờ thần linh phù hộ cho dân tộc xứ sở.
Tây Ninh là vùng giáp biên giới phía tây của đô thành Sài Gòn, mệnh danh là vùng nắng cháy. Tuy nhiên, vùng đất nầy còn ẩn chứa nhiều điều tâm linh bí ẩn, và nét giao thoa văn hóa, tín ngưỡng của cả người Việt, Chăm, Hoa và Khmer.
Một số hình ảnh đoàn Thầy Quyền lưu niệm