Mục lục
Vương triều Champa: Giai đoạn đầu đến vương triều thứ 7
Nhằm hệ thống và nêu những sự kiện tiêu biểu về niên đại trong lịch sử và văn hóa Champa, bài viết chỉ nêu những nét chính, giúp người đọc theo dõi theo lịch đại. Bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, rất cầu thị, nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng để góp phần chuẩn hóa, thống nhất tư liệu cho kiến thức thuyết minh về vương triều Champa – một chủ đề khó và dễ gây tranh cãi.
Sở khảo vương triều Champa
Tổ tiên của những người Champa là những thổ dân thuộc chủng Nam Á, tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Mã Lai – đa đảo. Lịch sử hình thành và phát triển của vương quốc Champa khá phức tạp, nhất là vấn đề nguồn dân tộc. Trước đây, người Chăm phân bố nhiều ở khu vực đồng bằng Quảng Nam – Quảng Ngãi (giữa lưu vực sông Thu Bồn và sông Trà Khúc).
Năm 1909, một khu mộ chum đã được phát hiện ở vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Trong những ngôi mộ chum này, người ta phát hiện thấy có nhiều đồ tùy táng cùng với người chết. Đó là những công cụ lao động, đồ trang sức, đồ gốm mà niên đại của chúng cách nay khoảng 2000-3000 năm, tương đương với thời đại đồng thau và thời kỳ đồ sắt. Những ngôi mộ chung còn được tìm thấy rài rác dọc theo ven biển miền Trung và chúng đại diện cho một nền văn hóa được các nhà nghiên cứu đặt tên là văn hóa Sa Huỳnh. Những người cổ Sa Huỳnh này sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa nước.
Trong xã hội thời bấy giờ đã có sự phân hóa giàu nghèo, phân chia tầng lớp. vào giai đoạn cuối của văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã xuất hiện những nhà nước sơ khai, tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ bằng chứng cho sự kế tục giữa con người Sa Huỳnh với cư dân Champa sau này, dẫu rằng đã có những sự tương đồng trong một số phong tục của hai nền văn hóa này như việc táng người chết trong mộ chum hoặc những hoa văn trên các đồ gốm và sự tiếp thu nền văn minh Ấn Độ trong cả hai xã hội này.
Xét về mặt kiến tạo địa lý, vùng đất của vương quốc cổ Champa xưa gồm 3 vùng có khi được chia làm 4 vương quốc, đó là:
- Vương quốc Amaravarti (Quảng Nam – Đà Nẵng, trùng tên gọi với 1 vùng đất ngay trên đất Ấn Độ, thể hiện ảnh hưởng rõ rệt) phía Bắc
- Vương quốc Vijaya (Bình Định, tên gọi này được đặt cho nhiều quốc gia cổ Ấn Độ hóa vùng Viễn Đông theo G. Codes như là Srivijaya) ở miền Trung
- Vương quốc Panduranga (Ninh – Bình Thuận) phía Nam
- Vương quốc Kauthara (Khánh Hòa).
Những vùng đất này có thể được chia ra làm 4 khu vực chính với 4 đồng bằng lớn:
- Đồng bằng Bình Trị Thiên
- Đồng bằng Nam – Ngãi – Địn
- Đồng bằng Phú Yên – Khánh Hòa
- Đồng bằng Ninh – Bình Thuận.
Vào thời bấy giờ, trên địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh có nhiều bộ tộc khác nhau sinh sống, trong đó có hai bộ tộc lớn
- Bộ tộc Dừa (Narikela Vamsa) ở phía Bắc từ Quảng Nam đến Phú Yên;
- Bộ tộc Cau ở phía Nam từ Phú Yên đến Bình Thuận.
Năm 206 TCN, Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, gọi tên nước là Tượng Quận bao gồm 2 quận:
- Giao Chỉ (là vùng đất Bắc Bộ)
- Cửu Chân (từ Thanh Hóa đến Trung Trung Bộ).
Đến thời nhà Hán
Tượng Quận chia thành 3 quận: Giao Chỉ gồm 10 huyện; Cửu Chân gồm 7 huyện và Nhật Nam gồm 5 huyện (Tây Quyển, Tây Cảnh, Châu Ngô, Lư Dung, Tượng Lâm) – tương đương từ Quảng Bình đến Phú Yên.
Vương triều thứ 1 (từ 192 đến 336)
Vào cuối thời Đông Hán. Loạn lạc xảy ra liên miên, nhà Hán phải lo đối phó nhiều cuộc khởi nghĩa nên thế lực đã suy yếu không còn đủ sức để khống chế những thuộc quốc hay vùng đất ở xa. Lợi dụng tình hình đó, năm 192, Khu Liên, còn viên Công Tào huyện Tượng Lâm – cực nam của quận Nhật Nam – đã lãnh đạo nhân dân trong vùng, giết quan huyện người Hán để lập ra một vương quốc độc lập mà sử Trung Quốc gọi là Tượng Lâm Ấp hay Lâm Ấp (LinYi).
Trong lúc đó, để đối phó với tình trạng mở mang bở cõi của vương quốc Phù Nam, bộ tộc Cau ở phía Nam cũng lập ra một tiểu quốc do Sri Mara sáng lập (được ghi rõ trong bia làng Võ Cạnh, Nha Trang niên đại cuối thế kỷ thứ II khắc bằng chữ Sankrit).
Như vậy, hai tiểu quốc này phát triển riêng lẻ từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ VII, trong đó vương quốc Lâm Ấp phát triển rực rỡ hơn với những cuộc bang giao với Trung Quốc và quan trọng nhất là sự hình thành và phát triển của Thánh địa Mỹ Sơn thế kỷ thứ IV.
Vương triều đầu tiên của Champa đã kết thúc sau khi vua Phạm Dật băng hà. Tướng Phạm Văn đã giết các con của Phạm Dật rồi tự lập mình lên làm vua mở ra vương triều thứ 2
Vương triều thứ 2 (336 – 420)
Trong giai đoạn này, năm 380, Phạm Hồ Đạt lên ngôi vua và có lẽ là vị vua đã cúng dân vùng đất Mỹ Sơn cho thần linh và xây dựng đền thờ thần Bhadravara – Thần chủ Mỹ Sơn. Lúc bấy giờ, vương triều thứ 2 vẫn sử dụng kinh thành của triều đại trước làm kinh đô của mình – đó là thành Sư tử (Simhapura). Thành còn được gọi là Sông Ngọc (tiếng cổ là Yakeo). Ya có nghĩa là sông nước – Keo có nghĩa là ngọc. Yakeo bị đọc trại ra thành Trà Kiệu. Sau khi Phạm Hồ Đạt mất, con là Địch Chân nối ngôi nhưng về sau từ bỏ ngai vàng đi Thiên Trúc tu đạo – vị vua này còn có tên gọi tiếng Phạn là Gangaraja. Triều đại đầu tiên ở miền Bắc Champa kéo dài từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ VII. Sau đó, ngôi đền được xây dựng đầu tiên này bị cháy.
Vương triều thứ 3 (420 – 528)
không chú trọng đến thánh địa mà lại lao vào các cuộc chiến tranh với triều đình Trung Quốc nên đất nước suy yếu còn phải nhận lệ triều cống. Đến năm 528, vương triều kết thúc.
Vương triều thứ 4 (529 – 757)
Đã xảy ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Champa. Ở phía Bắc, Lý Bí sau khi đánh đuổi Tiêu Tư đã lập ra nước Vạn Xuân năm 544. Vua Champa, lúc bấy giờ, nhân tình hình nước ta chưa ổn định đã cho quân sáng xâm lược bị tướng nhà Lý (Lý Nam Đế) là Phạm Tu đánh bại. Năm 602, nhà Tùy cử Lưu Phương sang tiến đánh Vạn Xuân. Năm 604, tiếp tục tiến đánh Lâm Ấp. Quân Lưu Phương tiến vào thành Sư tử, cướp phá và thậm chí đốt luôn cả Thánh địa Mỹ Sơn. Vua Lâm Ấp lúc bấy giờ là Phạm Chí (Sambhuvarman 595 – 629) phải bỏ chạy. Đến khi, Lưu Phương rút quân về nước, Phạm Chí mới trở về kinh đô, dâng sớ thần phục và xin cống nộp Trung Quốc. Khi tình hình đã tạm yên ổn, Phạm Chí bắt đầu cho xây dựng lại những ngôi đền Mỹ Sơn tôn thờ vị thần chủ mới được ghép tên thần Bhadravara với yên vua Sambhu – thành tên Sambhubhadravara.
Vương triều thứ 4 có hai vị vua đã đóng góp rất lớn cho Thánh địa Mỹ Sơn:
- Vikrantarvarman I (653 – 679)
- Vikrantarvarman II (686 – 731).
Do trong thời gian trị vì của hai vị vua này là thời kỳ ổn định về các mặt chính trị và xã hội đồng thời có không có chiến tranh xảy ra cho nên các vị vua đã không ngừng tiến cúng cho Mỹ Sơn những đền tháp và những lễ vật quý báu của Champa. Có lẽ trong giai đoạn cuối thế kỷ VII này, vương quốc Lâm Ấp ở phía Bắc đã hợp nhất với tiểu quốc ở phía Nam, do vua Gangaraja, để hoàn toàn cai quản từ Quảng Bình đến Phan Rang. Quyền lực được dịch chuyển tùy theo sự ủng hộ và sự phát triển của Bắc Chăm hay Nam Chăm cho nên các vị vua Bắc Chăm có vẻ thắng thế.
Vương triều này kết thúc dưới thời vua Rudravarman II năm 757.
Vương triều thứ 5 (758 – 851)
Sử Trung Quốc gọi Lâm Ấp là Hoàn Vương. Chính quyền trung ương dịch chuyển kinh đô về phương Nam, thuộc xứ Kauthara và Panduranga. Năm 774, Hoàn Vương bị người Java và Mã Lai tấn công Kauthara, đốt phá và cướp của đền thờ Ponagar. Năm 787, tiếp tục đánh thành Virapura (gần Phan Rang) bắt đi nhiều tù binh. Năm 803 – 804, Hoàn Vương xâm phạm và tấn công, vây hảm châu Hoan, châu Ái, phá hoại và cướp bóc rất nhiều rồi kéo quân về. Năm 813 – 817, triều Hoàn Vương liên tiếp kéo quân sang đánh Chân Lạp, đến năm 817, vua Chăm đã cho xây dựng lại ngôi đền Ponagar. Vương triều này kết thúc năm 851.
Đến giai đoạn 875 – 915, triều đai mới ra được gọi là Đồng Dương, sử Trung Quốc mới chính thức gọi vương quốc này là Champa. Kinh đô Ánh sáng (thành Indrapura) được dịch chuyển ra phía Bắc và được xây dựng gần với kinh thành Trà Kiệu trước kia. Lúc này, Phật giáo Ấn độ đã truyền vào xã hội Champa nên bản thân vương triều này cũng lấy Phật giáo làm quốc giáo. Tất ca những công trình được xây dựng trong giai đoạn này đều mang một phong cách rất riêng: vừa chịu ảnh hưởng Bà La Môn, vừa chịu ảnh hưởng Ấn độ, vừa ảnh hưởng cư dân bản địa cho nên nó được gọi một cái tên riêng: phong cách Đồng Dương. Các vị vua Champa trong triều đại này đã xây dựng nhiều công trình đền tháp trong Mỹ Sơn thậm chí còn có cả một tu viện (Vihara) cũng được dựng ở đây. Giai đoạn này, nhà Đường phải lo chống chọi với cuộc xâm lăng của quân Nam Chiếu nên không tiến hành xâm lược, cướp phá Champa. Đây là một trong những điều kiện để nền văn hóa Đồng Dương phát triển rực rỡ. Vương triều kết thúc vào năm 915.
Vương triều thứ 6
Trong những năm tiếp theo, do lúc này, các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu giành được độc lập như Nam Việt năm 938, Chân Lạp năm 944 dưới thời vua Rajendravarman (944 – 968) muốn mở rộng bờ cõi cho nên đất nước Champa bị cuốn vào những cuộc chiến tranh liên miên như: chiến tranh chống Chân Lạp năm 945 – 946;
Năm 979, vua Tỳ My Thuế đem quân sang đánh Hoa Lư theo lời Ngô Nhật Khánh nhưng bị bão làm chết nhiều binh lính; năm 982, gây hấn, giết sứ giả nhà Tiền Lê nên bị vua Lê Đại Hành thân chinh đánh bại Champa, thậm chí thiêu đốt cả kinh thành Đồng Dương; bị một viên quản giáp của vua Lê Đại Hành là Lưu Kế Tông chiếm quyền làm vua, đàn áp dân chúng từ năm 986 – 989.
Vương triều thứ 7 (992 – 1044)
Vương triều 7, do vua Harivarman II lãnh đạo, nhận thấy sự đe dọa của Đại Cồ Việt ở phương Bắc nên đã cho dời đô về vùng Vijaya (Vương triều Thắng lợi), xây dựng kinh thành Đồ Bàn làm trung tâm hành chính của Vương quốc Champa trong suốt 5 thế kỷ. Năm 1044, Champa quấy rối vùng biên giới, đích thân vua Lý Thái Tông dẫn quân tấn công vào kinh thành, bắt vua Champa và nhiều tù binh mang về Đại Việt đồng thời cũng làm chấm dứt luôn vương triều này.
Mời đón xem: Vương triều Champa – phần 2