Mục lục
Giới thiệu bạn đọc Vương triều Champa phần 2.
Vương triều Champa: từ vương triều thứ 8 đến những vương triều cuối cùng
Vương triều thứ 8 (1045 – 1074)
Lúc này Champa giữ quan hệ tốt đẹp với Đại Cồ Việt (Đại Việt dưới thời Lý Thánh Tông) nhưng sau đó, năm 1069, vua Champa là Chế Củ đã đem quân sang tấn công. Vua Lý Thánh Tông cùng nguyên soái Lý Thường Kiệt “bình Chiêm, diệt Tống” chống cả hai phía, đã dẫn quân theo đường thủy đánh Champa. Phải tiến đánh lần thứ 2, vua Lý mới bắt được vua Chế Củ. Vua Champa phải xin hàng và đem 3 châu: Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc mạng. Vua Lý đồng ý và từ đó, đất nước Đại Việt lại được mở rộng về phương Nam đến Quảng Trị ngày nay.
Vương triều thứ 9 (1074 – 1139)
Vua Harivarman IV lên ngôi, mở đầu cho vương triều thứ 9. Vẫn là người được sinh ra từ hai dòng dõi Cau và Dừa nên nhiều đền tháp lớn được xây dựng và tu sửa lại ở Mỹ Sơn. Chính thời gian này, Mỹ Sơn lại phát triển rực rỡ với nhiều đền tháp được xây dựng theo phong cách Bình Định và vị thần chủ một lần nữa được gọi tên là Srisanabhadresvara. Năm 1074, vua Harivarman IV tấn công Đại Việt và tấn công cả Chân Lạp, đánh vào kinh thành, đốt phá, cướp bóc, bắt nhiều tù binh. ó thể cho rằng, đây chính là lý do người Chân Lạp tiến đánh Champa và nhiều trận đánh qua lại giữa hai vương quốc diễn ra sau này. Năm 1103, vua Cham Chế Mana (Jaya Indravarman II) nghe theo lời Lý Giác đã dẫn quân đánh Đại Việt nhưng bị Lý Thường Kiệt đánh tan tành.
Vương triều thứ 10 (1139 – 1145)
Ra đời trong hoàn cảnh đối đầu với Chân Lạp do vua Suryavarman đứng đầu. Đây là một vị vua giỏi chinh chiến, từng đem quân tiến đánh vùng Nghệ An – Hà Tĩnh của Đại Việt nhưng lần lượt bị quan quân triều Lý phá tan. Do nuôi chí quyết đánh Đại Việt nên vua Chân Lạp đã buộc vua Champa phải liên kết với mình nhưng vua Champa từ chối. Tức giận, vua Suryavarman đã dốc toàn lực đánh Champa, quyết tâm báo thù. Năm 1145, Chân Lạp tấn công kinh thành Đồ Bàn, vua Champa mất tích, kết thúc vương triều thứ 10.
Vương triều thứ 11 (1145 – 1318)
Là sự giằng co dai dẳng giữa Chân Lạp và Champa ngay trên vùng đất lãnh thổ của Champa. Vua Jaya Harivarman I đánh đuổi vua Chân Lạp thống nhất lại Champa đồng thời tiến hành dẹp nội loạn, khuất phục người miền núi, mở rộng bờ cõi về phía Tây. Sau khi, bình ổn đất nước, Champa lại chuẩn bị cho những cuộc chiến trả đũa Chân Lạp.
Từ 1170 – 1181, quân đội Champa nhiều lần tấn công vào Angkor. Năm 1181, vua Jayavarman VII đã đánh lui Champa, đem lại độc lập cho Chân Lạp và cũng chính vị vua này đã bắt đầu cho sự tàn phá Champa.
Năm 1190, vua Chân Lạp Jayavarman VII cùng với vị tướng tiên phong của mình, cũng là 1 hoàng thân Champa tên là Vidyanandana đã tiến đánh Champa. Quân Chân Lạp bắt vua Jaya Indravarman IV đưa về Chân Lạp và chia Champa thành 2 khu vực phụ thuộc vào Chân Lạp: Vijaya do hoàng thân In – em rể vua Chân Lạp – làm vua, gọi là Suryavarmadeva; Panduranga do hoàng thân Champa Vidyanandana cai trị tại Rajapura. Nhưng chẳng bao lâu, ở Vijaya, hoàng thân In bị hoàng tự Rasupati đánh bại.
Năm 1192, vua Vidyanandana đã thân chinh đánh Vijaya, giết Rasupati và thống nhất Champa lên làm vua gọi là Suryavamadeva trị vì đến năm 1203. Có thể đây là vị vua PoKlaung Girai huyền thoại, vốn Champa thời này là phiên thuộc Chân Lạp cho nên có sự xuất hiện của các quan đại thần người Chân Lạp trong nội các Champa như Po Dam hay những ảnh hưởng nhất định của nền văn hóa Khmer trong xây dựng các công trình đền tháp của Champa.
Mãi đến năm 1226, Champa mới có vị vua mới Jaya Paramesvaravarman II vốn cũng do người Chân Lạp nuôi dưỡng từ nhỏ cho nên khi ông lên ngôi, người Chân Lạp tự động rút về nước, kết thúc gần 100 năm chiến tranh Champa – Chân Lạp. Ông đã đến Mỹ Sơn, tu bổ lại các đền tháo, cúng dâng nhiều Linga năm 1234 và đến năm 1242 vua Champa là Jaya Indravarman V đã đến tu bổ Mỹ Sơn và đề lại hai bia ký ngắn nói về sự kiện này – đây cũng là vị vua cuối cùng tu bổ Mỹ Sơn trước khi bị lãng quên và tái sinh vào thế kỷ 19.
Trong những năm tiếp theo của thế kỷ 13, sự bành trướng của đế quốc Nguyên Mông đã xâm lấn đến khu vực Đại Việt và Champa. Trong tình hình đó, xu thế hòa bình và hợp tác cùng kháng chiến chống Nguyên – Mông của 2 quốc gia là hợp thời thế. Do đó, năm 1282, quân Nguyên do Toa Đô làm chủ tướng đã sang mượn đường Đại Việt để đánh Champa nhưng vua nhà Trần không đồng ý vì lo sợ an nguy cho nước nhà. Vì thế, Toa Đô đã tiến đánh cảng Thị Nại, thành Đồ Bàn khiến cho vua quan Champa phải bỏ chạy lên núi thực hiện kế hoạch “vườn không, nhà trống”, kháng chiến lâu dài. Sau này, nhờ kế trá hàng mà quan quân Champa đã làm cho Toa Đô phải hiệt hại rất nhiều và rút lui ra khỏi kinh thành. Nhà Nguyên đã gửi Ô Mã Nhi sang cứu viện như đã quá muộn và sau đó, hai cánh quân Ô Mã Nhi và Toa Đô đã hợp lực đánh Đại Việt năm 1288.
Do đã có sự chuẩn bị từ trước, dưới sự lãnh đạo của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, quân dân Đãi Việt đã kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi liên tiếp 3 lần vào các năm 1258, 1285 và 1288 trong đó, có sự giúp đỡ, phối hợp cùng chống giặc ngoại xâm của vương triều Champa mà cụ thể là Thái tử Harijit – người mà sau này lên ngôi làm vua, được sử ta gọi là Chế Mân. Chính vị vua này, đã mời Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang Champa chơi vào năm 1301 và cũng từ chuyến đi này, Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.
Năm 1306, thực hiện lời hứa của mình, vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III 1287 – 1307) đã đem sính lễ cùng điều ước dâng 2 châu Ô, Lý để xin được cưới Huyền Trân. Đám cưới đã diễn ra, Huyền Trân về nhà chồng, còn Đại Việt ta mở rộng bờ cõi về phương Nam với Châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa (tức khu vực Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế ngày nay).
Sau khi Chế Mân mất 1307, các vị vua Champa tiếp theo đều muốn đòi lại 2 châu đã dâng tặng cho nên các cuộc quấy nhiễu, cướp phá ở biên giới không ngừng xảy ra như năm 1311, quân Champa bị Đoàn Nhữ Hài đánh tan tành hoặc năm 1313 quân Xiêm tấn công Champa, nhà Trần cử đại quân sang giúp nhưng bản thân Champa vẫn không thần phục Đại Việt.
Đến năm 1318, vua Trần Minh Tông đã sai Phạm Ngũ Lão cùng Trần Quốc Chấn đi thảo phạt, vua Champa phải bọ chạy và kết thúc vương triều 11.
Vương triều thứ 12 (1318 – 1390)
Sự bất hòa giữa các thế lực trong hoàng tộc đã khiến cho Champa càng suy yếu, lúc thì cầu viện nhà Trần, lúc thì thần phục nhà Nguyên mãi đến khi Chế Bồng Nga – một vị vua Champa kiêu hùng, anh dũng lên ngôi – thì Champa mới khôi phục sức mạnh. Trong suốt 30 năm trị vì (1360 – 1390), Chế Bồng Nga đã lao vào cuộc chiến tranh với Đại Việt. Thêm vào đó, nhà Trần đã bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào nên không còn đủ sức chống lại sự xâm lược của Champa.
Kinh thành Thăng Long 2 lần thất thủ (năm 1371 – vua Trần Nghệ Tông và năm 1377 vua Đế Nghiễn), bị đốt phá, cướp bóc, nhiều người bị giết, bị bắt làm nô lệ, vua quan nhà Trần phải chạy lên vùng cao để tránh nạn. Đến năm 1390, do bị một tên phản thần là Ba Lậu Kê tiết lộ tông tích cho Trần Khát Chân cho nên quan quân nhà Trần tập trung mọi hỏa lực nhắm vào thuyền của Chế Bồng Nga mà bắn, vua Champa trúng đạn tử trận, quân Champa tan rã, rút về nước, kết thúc vương triều thứ 12 và một vị vua anh dũng của Champa.
Vương triều thứ 13 (1390 – 1458)
Được hình thành sau khi tàn quân Champa rút về nước. Lúc bấy giờ, nhà Hồ đã thay thế nhà Trần và bắt đầu kế hoạch tiến đánh Champa. Năm 1402, Hồ Hán Thương đã xua quân đánh chiếm Champa. Vua Champa thất bại phải dâng tặng đất Chiêm Động và Cổ Lũy (Indrapura và Amaravarti) cho nhà Hồ. Triều đình nhà Hồ đã chia đất này thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa làm nơi sinh sống của cư dân Đại Việt và Champa. Nhưng những người Champa vẫn còn ít nhiều mang nặng mối thù với nhà Hồ nên khi nhà Minh xâm lược nước ta, người Champa ủng hộ hết mình và họ dần dần khôi phục đất cũ. Mãi đến khi nhà Hậu Lê kháng chiến thắng lợi 1428, ranh giới Đại Việt và Champa đã khôi phục như cũ nhưng vua Champa vẫn liên tiếp gây rối biên giới thậm chí đánh vào Hóa Châu năm 1441. Cho nên, năm 1446, nhà Lê đã tiến hành đánh thẳng vào cửa Thị Nại, thành Đồ Bàn bắt vua và nhiều tù binh, lập vua mới trị vì Champa. Do bất đồng, tranh giành ngôi vua giữa các thế lực trong triều nên nội loạn xảy ra dẫn đến việc kết thúc vương triều thứ 13.
Vương triều thứ 14 (1458 – 1471)
Đã bắt đầu ngay sau khi nội loạn kết thúc. Nhưng lúc này, vua Lê Thánh Tông – một minh quân của nhà Lê và Đại Việt – lên ngôi. Ông muốn xác định biên giới đồng thời muốn Champa xem mình ngang hàng với nhà Minh. Nhưng vua Champa không thần phục mà còn đem quân sang đánh Đại Việt trước. Năm 1470, Bàn La Trà Toàn đã đem quân đánh Hóa Châu, vua Lê Thánh Tông thân chinh dẫn 70 vạn quân tiến đánh Champa.
Trước sức mạnh Đại Việt, đại quân Champa tan rã, vua Champa xin hàng nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn thẳng tiến vào kinh thành Đồ Bàn bắt vua Trà Toàn và nhiều tu binh đồng thời ông tiếp tục tiến xuống phía Nam đến đèo Cả và xác lập ranh giới giữa Champa và Đại Việt bằng một bai ký, trên đó, có hàng chữ: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong. An Nam quá thử, tướng chu binh chiết”. Việc làm coi như kết thúc vương triều thứ 14 này vào năm 1471.
Vương triều thứ 15 (1471 – 1693)
Được xem như vương triều cuối cùng của Champa với vị thế là một quốc gia độc lập. Một thuộc tướng Champa sau khi bị vua Lê Thánh Tông truy nã đã dẫn quân về vùng Panduranga lập ra vương triều này, xin thần phục và cống nạp hàng năm cho Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông nhân đó chia vương quốc này ra làm 3 tiểu quốc nhỏ để làm suy yếu, tránh hậu quả sau này: Panduranga vùng Khánh Hòa đến Ninh – Bình Thuận, Nam Bàn vùng Tây Nguyên và Hoa Anh – hiện ranh giới của các tiểu quốc này cũng chỉ là suy đoán, nước Hoa Anh này kéo dài từ vùng Đồng Nai Thượng qua đến Đông Nam Bộ và sang cả đất Campuchia. Nhiều người Champa do chiến tranh mà chạy sang đất Chân Lạp và triều đình Chân Lạp gọi những người Chăm này là người Côn Man.
Sau thời gian này, Đại Việt lâm vào khủng hoảng với nhiều sự kiện chính trị nổ ra như: Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527; Trịnh – Nguyễn phân tranh. Thế nhưng, đúng như ý đồ của vua Lê Tháng Tông, vương triều Champa đã suy yếu, kiệt quệ không đủ khả năng tổ chức các cuộc chiến tranh quy mô lớn mà chỉ là những cuộc gây rối ở một khu vực, địa phương nên dẽ dàng bị quan quân tiêu diệt.
Rồi đến khi Nguyễn Hoàng vào Nam 1558, bắt đầu sự khai khẩn, ở rộng bờ cõi về phía Nam thì giai đoạn kết thúc không chỉ vương triều thú 15 mà còn cả vương quốc Champa hùng mạnh trong lịch sử đã đến. Năm 1611, Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong ổn định dân tình từ đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi, đặt làm phủ Phú Yên (ranh giới Champa và Đàng Trong lúc bấy giờ). Năm 1627, vua Porome – vị vua anh minh Champa xuất hiện trong thời kỳ thoái trào cũng chỉ thực hiện được những chính sách phát triển kinh tế cho Champa và cũng thất bại trong trận chiến với quân đội chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Từ năm 1629 – 1648, các chúa Nguyễn lần lượt đưa cư dân Đàng Trong vào sinh sống ở các khu vực mới đặt lại nền hành chính. Năm 1653, vua Champa là Bà Tấm xâm lấn đất Phú Yên, chúa Hiền sai Cai cơ Hùng Lộc đem quân thảo phạt, đại phá quân Champa và chiếm đất đến sông Phan, đặt dinh mới là Thái Khang (Khánh Hóa, Ninh Thuận ngày nay). Năm 1693, vua Champa là Bà Tranh lại đem quân gây rối phủ Diên Ninh. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh chinh phạt, đem phần đất còn lại sát nhập vào Đàng Trong, đặt tên là trấn Thuận Thành. Năm 1697, chúa Nguyễn đặt phủ Bình Thuận xem như chính thức sát nhập vùng đất Champa vào đất của mình và đặt ra các luật lệ cai trị hành chính tại địa phương.
Đến đây, một vùng đất với 15 thế kỷ tồn tại, với những bước thăng trầm, những thời kỳ vàng son đã để lại cho nhân loại rất nhiều kiệt tác văn hóa nghệ thuật và những trang sử của một thời đầy vinh quang nhưng cũng không kém phần bi tráng mà tiêu biểu là Thánh địa Mỹ Sơn và hệ thống các đền tháp rải rác khắp dải đất miền Trung nước ta đồng thời một vương quốc với 15 vương triều, 78 vị vua cùng những nét văn hóa đặc trưng truyền thống đã mãi mãi là một kho tàng quý báu trong cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Mời đón xem: Vương Triều Champa – phần cuối