Thập nhị nhân duyên là gì?

Mục lục

Trong triết học của mình, Đức Phật chỉ tập trung vào nhiệm vụ tối cao là giải thoát chúng sinh khỏi nỗi khổ của cuộc đời. Nhưng cũng toát lên những vấn đề của bản thể luận trong tư tưởng về “vô thường”, “vô ngã”, qua học thuyết về “nhân quả” hay “nhân duyên sinh”. Phật giáo cho rằng thế giới về bản chất chỉ là một dòng biến ảo vô thường,không do một vị thần nào sáng tạo ra cả. Do vậy, trong thế giới không thực có vật, không thực có cái ngã, không có thực thể nào tồn tại thường định và vĩnh viễn. Theo triết lý Phật giáo, sở dĩ vũ trụ vạn vật biến hóa vô thường chính là do vạn vật trong vũ trụ chịu sự chi phối của luật nhân quả. Cái nhân nhờ có duyên trợ mà trở thành cái quả, quả lai nhờ duyên mới trợ giúp mà trở thành quả mới. Cứ như vậy, thế giới sự vật, hiện tượng cứ sinh hóa, biến hiện không ngừng, không nghĩ theo quá trình, sinh, thành, dị \, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Quá trình đó có thể diễn ra trong nháy mắt hay trong từng giai đoạn có sự biến đổi về chất.

Đối với chúng sinh, triết lý Phật giáo tìm thấy sự liên kết của nghiệp quả, từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai và đưa ra thuyết “Thập nhị nhân duyên” để giải thích nguồn gốc sinh tử luân hồi và sự đau khổ của chúng sinh và chỉ nhằm mục đích giúp chúng sinh thoát khỏi phiền não của cuộc sống.

Mười hai nhân duyên là gì? Đó là:

Vô minh

Là sự mông muội, mờ tối, không sáng tỏ, không bản nhiên của tâm trí con người. Vô minh như lớp mây mù bao phủ chê lấp mọi sự hiểu biết chân chính, vô minh là không nhận thức được thực tướng của vạn pháp và không thấu triệt được chân bản tính cùa mình. Chính vô minh khiến tâm con người ta vọng động, ham muốn và hành động để thỏa mãn những ham muốn.

Hành

Là hành động tạo tác theo ý muốn của mình và do hành động tạo tác nên tạo ra nghiệp. Vậy hành là những tác ý, thiện, bất thiện và không lay chuyển tạo nghiệp. Tất cả những tư tưởng, lời nói, việc làm, thiện và bất thiện đều bắt nguồn từ vô minh hay gián tiếp từ vô minh thúc đẩy và nhất định đều tạo nghiệp.

Thứ

Là ý thức, biết ta là ta, phát sinh trong kiếp kế tiếp từ hành động thiện hay bất thiện trong kiếp vừa qua và do thức mà phát sinh danh sắc. Như vậy, ý thức là quả cho hành và là nhân cho danh sắc.

Danh sắc

Là tên và hình. Danh sắc phát sinh cùng một lúc với thức tái sinh (Thức nối liền kiếp quá khứ và kiếp hiện tại). Nếu hành và thức thuộc về kiếp quá khứ và hiện tại của một chúng sinh thì thức và danh sắc lại cùng phát sinh trong một kiếp sống. Do có danh sắc (tức có tên và hình) mà có lục căn hay lục nhập.

Lục căn

Tức là sáu giác quan của con người để tiếp xúc, tiếp nhận sự tác động của ngoại giới, gồm tai, mắt, lưỡi, mũi, thân và ý (guồng máy chi lục căn của con người vận chuyển tự nhiên không cần có một tác nhân nào tương tự như một linh hồn để điều khiển). Mỗi căn (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý) đều có những đối tượng và sinh hoạt riêng biệt. Những đối tượng tương ứng với lục căn là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp khi tiếp xúc với nhau tạo ra một loại thức như: sắc với nhãn thành nhãn thức, thanh với nhĩ thành nhĩ thức, …

Xúc

Là điểm giao hợp liên quan của ba yếu tố “căn” (giác quan), “trần” (đối tượng của giác quan) và “thức”. Như vậy, lục căn đã trờ thành quả cho danh sắc và thành nhân cho xúc.

Thụ

Là tiếp thụ, thu nhận các tác động của đối tượng vào mình, khi các đối tượng ấy tiếp xúc với các giác quan. Chính thụ thu nhận quả lành hay dữ của những hành động trong hiện tại hay trong quá khứ. Có ba loại thụ là thụ lạc, thụ khổ và thụ vô ký (tức không hạnh phúc cũng không phiền não).

Ái

Là luyến ái, khao khát, yêu thích, mong muốn, bấu víu. Ái là do có thụ cảm, thụ nhện, tiếp thụ mà có; như vậy, thụ là quả cho xúc và lại là nhân cho ái phát sinh. Có ba loại ái dục: ái dục duyên theo nhục dục ngữ trần; ái dục duyên theo khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương thường kiến. Trong lúc thụ hưởng, nghĩ rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu và những khoái lạc sẽ mãi mãi tồn tại; ái dục duyên theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương đoạn kiến. Trong lúc thụ hưởng, nghĩ rằng tất cả đều tiêu diệt sau khi chết. Tùy thuộc ái, thủ phát sinh; như vậy, ái là quả của thụ và là nhân cho thủ.

Thủ

Là giữ lấy, cố bám lấy vật mà mình ham muốn. Nguyên nhân của thủ chính là do luyến ái và lầm lạc. Thủ là có bốn loại: nhục dục, tà kiến, thân kiến và chủ trương sai lầm cho rằng có một linh hồn trường cửu. Do thủ mà lại phát sinh ý nghĩ sai lầm là “tôi” và “của tôi”. Như vậy, thủ làm quả cho ái mà làm nhân cho hữu.

Hữu

Là có tồn tại, hiện hữu. Có ta với sắc, thụ, tưởng, hành, thức nên mới có ái dục gây nên nghiệp. Theo nghĩa gốc hữu (bhava) là đang trở thành. Hữu là hành động tạo nghiệp thiện và bất thiện (tiến trình tích cực của sự trở thành) và những cảnh giới của chúng sinh (tiến trình tích cực của sự trở thành). Có thể thấy, hành và hữu đều là hành động tạo nghiệp. nhưng nếu hành là hành động trong quá khứ thì hữu là hành động trong hiện tại. như vậy, do có hữu mà có sinh nên hữu làm quả cho thủ và làm nhân cho sinh.

Sinh

Là hiện hữu, là ta sinh ra ở thế gian, sinh là hiện tượng phát sinh của những hiện tượng tâm – vật – lý. Có sinh tức có lão tử. Như vậy, sinh làm quả cho hữu và làm nhân cho lão tử.

Lão tử

Là già và chết. Đã sinh ra tất phải có già và chết. Nhưng sống và chết, sinh và tử là hai mặt đối nhau mà không tách rời nhau như sáng và tối, âm và dương, níu kéo con người trong vòng sinh tử luân hồi.

Tóm lại, triết lý Phật giáo chỉ ra nguyên nhân căn bản của mọi đau khổ của chúng sinh là từ vô minh. Trong mười hai nhân duyên, có chi thuộc về quá khứ, có chi thuộc về vị lai, có chi thuộc về hiện tại, cái này là nhân và cũng là quả của cái kia, cái này diệt, cái kia sinh, liên kết với nhau qua ba thời điểm gọi là Tam thế lưỡng trùng nhân quả. Do nhân duyên tan hợp, hợp tan như vậy, vạn vật cứ sinh hóa, biến luận vô thường. Hết thảy thế giới thiên hình, vạn trạng cũng chỉ là hư ảo (maya), không có thực thể, không có bản ngã, không thực có cảnh có vật. Kinh Pháp cú viết: “Các pháp đều vô ngã. Khi đem trí tuệ soi xét được như thế thì sẽ nhằm lìa thống khổ”.

Đó là chân lý mà Phật giáo đưa ra cho chúng tav thấy thực tướng của vạn pháp, chân thể của vũ trụ và chân bản tính của vũ trụ. Thấy được điều đó gọi là Chân như, là đạt tới cõi hạnh phúc, vô dục, thanh tịnh, an lạc, bất sinh bất diệt …gọi là Niết bàn (nirvana).

Con người cũng do nhân duyên kết hợp tạo ra bởi hai thành phần: phần sinh lý và phần tâm lý, phần hình chất và phần tinh thần. Cái tôi sinh lý, tức thể xác, hình chất gọi là “sắc” (gồm địa, thủy, hỏa, phong – quan niệm này khác với ngũ hành của Việt Nam và tứ chất của phương Tây). Cái tôi tâm lý tinh thần tức là tâm, chỉ có tên gọi mà không có hình chất, gọi là “danh”.

Bốn yếu tố do nhân duyên kết hợp tạo nên phần tinh thần (danh) của con người là:

  • Thụ – cảm giác về sự khổ hay sướng đưa đến sự xúc cảm, lãnh hội với thân và tâm;
  • Tưởng – suy nghĩ, tư tưởng;
  • Hành – do ý muốn thúc đẩy hành động, hành động tạo tác
  • Thức – nhận thức, ý thức về ta.

Hai thành phần tạo nên từ ngũ uẩn, do nhân duyên hợp thành mỗi sự vật cụ thể có danh sắc. Duyên hợp ngũ uẩn thì là ta; duyên tan thì không còn là ta. Quá trình tan hợp, hợp tan của ngũ uẩn do nhân duyên tác động là vô cùng. Ngay cả các yếu tố của ngũ uẩn cũng biến hóa theo luật nhân quả không ngừng, không nghỉ, cho nên mọi sự vật cũng chỉ tồn tại tương đối, vô thường, vô định, không có cái tôi hôm nay, không có cái tôi hôm qua. Đó chính là tính chất “vô thường, vô ngã của vạn pháp”.

Vì không nhận thức được cái biến ảo vô thường, vô định của thế giới mới là chân thực, không nhận thức được cái vô ngã của vạn pháp, nghĩa là không thấy được cái gốc của sự biến hóa vô cùng, vô tận của vạn vật và chúng sinh là ở nhân duyên, nên con người ta lầm tưởng, ngộ nhận rằng cái gì cũng của ta, do ta, vì vậy con người cứ khát ái, khát dục, dẫn đến hành động chiếm đoạt, tạo ra những kết quả, gây nên nghiệp báo, mắc vào bể khổ triền miên không dứt trong tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) và lục đạo (trời, nhân gian, súc sinh, atula, ngạ quỷ, địa ngục), gọi là luân hồi.

Trong triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo, theo luật nhân quả thì nghiệp báo và tái sinh là hai phạm trù căn bản có liên hệ mật thiết với nhau. Tái sinh là hệ luận tự nhiên của nghiệp. Từ trước thời Đức Phật, tư tưởng nghiệp báo và tái sinh đã được truyền bá rộng rãi ở Ấn Độ. Nhưng với triết lý Phật giáo, chúng được phát triền toàn diện hơn. Theo Phật giáo, “nghiệp” là cái do hành động thiện hay bất thiện, cố ý hay không cố ý, qua thân, khẩu, ý của ta để thỏa mãn những ham muốn của ta mà thành. Tương ứng, ta sẽ có: thân nghiệp – hậu quả do việc làm, hành động của thân thể ta gây nên, khẩu nghiệp – hậu quả do lời nói của ta gây nên và ý nghiệp – là vô minh, không nhận thức được thực tướng của vạn pháp và chân bản tính của mình. Do vậy, nghiệp báo trong cuộc đời là sự tổng hợp kết quả của các nghiệp gây ra trong hiện tại cùng với các nghiệp gây ra trong quá khứ, và nó quyết định đời sau tốt hay xấu; đặc biệt là gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy, có thể kiếp này hoặc kiếp sau mà thôi.

Do chủ trương vô ngã, không thừa nhận linh hồn bất tử, cho nên nếu quan niệm luân hồi của Phật giáo căn bản được thể hiện ở tư tưởng về nghiệp và tái sinh, thì luân hồi trong tôn giáo khác của Ấn Độ cổ đại là tư tưởng cho rằng linh hồn là bất tử, trú ngụ trong các hình thức thể xác khác nhau. Sau khi con người ta chết đi, linh hồn sẽ đầu thai vào một hình thức thể xác khác, cứ thế mãi tùy thuộc vào kết quả hành động của những kiếp trước đã gây ra.

Từ thế giới quan nhân duyên sinh, triết lý Phật giáo đã vạch ra nguồn gốc nỗi khổ của con người và con đường dẫn đến sự diệt khổ nhằm giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ của cuộc đời, ngoài “thập nhị nhân duyên” như đã giải thích ở trên thì còn có “tứ diệu đế” và “bát chánh đạo”. Đây là tư tưởng triết lý đạo đức nhân sinh căn bản nhất của Phật giáo.

(St)