Trải nghiệm văn hóa bản địa trong du lịch cộng đồng
(Trường hợp làng Mơ H’Ra – huyện K’Bang – Gia Lai)
“Du lịch trải nghiệm” là một hình thức du lịch thiên về trải nghiệm của bản thân, học hỏi, khám phá những điều mới. Có người thích “du lịch nghỉ dưỡng” và có thể đến một địa điểm quen thuộc nhiều lần, thậm chí không ra khỏi resort một bước. Có người lại thích “du lịch theo tour”, đi theo hướng dẫn viên và đến những địa điểm nổi tiếng. Nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ với “du lịch trải nghiệm”.
Hoạt động “du lịch trải nghiệm” đòi hỏi bạn phải thâm nhập vào cuộc sống nhiều hơn, bạn sẽ học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống thông qua việc ở nhà người dân địa phương, cùng sinh hoạt và ăn uống như một người dân bản địa, hòa mình cùng với thiên nhiên thơ mộng, núi rừng hùng vĩ. Chính những chuyến du lịch trải nghiệm này sẽ giúp bạn có thêm những góc nhìn khác về cuộc sống.
Nói cách khác, du khách không chỉ tận hưởng những dịch vụ do các doanh nghiệp lữ hành cung cấp hay những thông tin từ hướng dẫn viên mà còn được nằm nghỉ ngơi, lưu trú trong chính ngôi nhà của người dân bản địa, được tận tay sờ, khám phá, tham gia nấu ăn, hái rau, mặc trang phục dân tộc và chơi nhạc cụ truyền thống, hát và nhảy điệu cồng chiêng, thưởng thức ghè rượu cần thơm ngon của già làng, trưởng bản.
Mô hình này ở làng văn hoá Mari – Mari, bang Sabah, đảo Borneo của Malaysia đã thực hiện từ lâu. Những du khách trở thành người dân tộc khác đến tham quan được chào đón bằng nghi thức chào hỏi đặc biệt của họ, bằng giáo mác và nỏ, bằng hành động và lời chúc hoà bình giữa hai tộc người. Sau đó, lần lượt những du khách sẽ được xem những phụ nữ tước cây dứa để lấy từng sợi chỉ mảnh, phơi khô, dệt vải, may khố; những chàng trai làm tên, thổi ống tiêu, xăm hình chiến binh trên tay chân và nhất là cách lấy lửa từ gỗ. Du khách được thử lấy lửa, thử thổi tên đồng; thử nhồi bột, làm bánh, ăn thức ăn bày trên lá chuối và cuối cùng là những điệu múa mạnh mẽ của dân tộc trên đảo Borneo.
Thật bất ngờ, ngay tại làng Mơ Hra, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) đã tổ chức gần tương tự như trên. Đón chúng tôi là những chàng trai, cô gái Bana trong trang phục truyền thống; đưa chúng tôi lên nhà rông; giới thiệu già làng cùng khung dệt thổ cẩm và đan gùi của dân tộc Bana. Sau đó, cô hướng dẫn viên người Bana đã đưa chúng tôi tham quan nhà rông, nơi trưng bày dụng cụ sinh hoạt; vũ khí chiến đấu, nhạc cụ đàn Goong và các loại đàn độc đáo khác; tìm hiểu ché rượu ghè, bộ cồng chiêng của dân tộc Bana.
Tiếp theo, cô hướng dẫn đưa chúng tôi đến tham quan chỗ làm sản phẩm bằng thổ cẩm phục vụ du khách. Điểm độc đáo nhất là ghé qua nhà người dân để thưởng thức món ăn “5 trong 1”. Đó là thời gian nông vụ khó khăn, người dân Bana phải ăn kèm với khoai mì (sắn); họ đã sáng tạo, chế biến thành những loại bánh từ nguyên liệu là khoai mì rất độc đáo. Có loại như bánh nậm, có loại như bánh bò hấp, bánh bò nướng, có bánh ăn với muối vừng hoặc đường, còn có thêm món cà đắng ăn kèm khoai mì nữa. Đằng sau những gian nhà theo chương trình 135 của Chính phủ là những ngôi nhà của chính ngườ dân Bana xây dựng. Nơi đó, có gian bếp, gian nhà kho chứa nông sản, nông cụ và nơi đó, bếp lửa đang cháy phục vụ cho việc nấu những món ăn phục vụ du khách. Đó là rau mì, ốc núi và gà nướng cơm lam. Sau bữa ăn, chúng tôi còn được phục vụ buổi ca múa nhạc cồng chiêng cùng đồng bào Bana, được hướng dẫn và tham gia vào những điệu múa mang phong cách mạnh mẽ của người Tây Nguyên.
Chương trình này mang đậm nét sản phẩm du lịch dựa trên công đồng với đầy đủ tài nguyên vốn có của làng Mơ Hra. Nhưng xu hướng du lịch trải nghiệm nêu trên lại chưa nổi bậc lên rõ rệt. Nếu một địa phương không có di sản nhưng phát triển du lịch cộng đồng theo xu hướng trải nghiệm thì không lo không có cơ hội phát triển hay thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài. Đơn cử, ngay tại làng Mơ Hra, nếu các chàng trai cô gái chào chúng tôi hay dạy chúng tôi câu chào – cảm ơn – tạm biệt bằng chính ngôn ngữ của họ; những người dân biết chơi nhạc cụ hay ngồi dệt ra những sản phẩm phục vụ du khách bằng tay (hơn là những máy may công nghiệp như hiện tại); có thêm khu tái hiện việc trồng bắp, khoai mì hay đặt bẫy săn bắn; quá trình làm bánh khoai mì thì du khách được tận tay xem cách làm; tham gia giã khoai, chẻ ống tre làm cơm lam hoặc nướng bánh; có khu làm rượu cho khách nhìn và nếm thử. Nhất là bữa tối, khu vực Tây Nguyên có một di sản phi vật thể, đó là không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên nhưng lại không có bài hát đặc trưng; không có nghi lễ chào đón riêng biệt của già làng dành cho khách; những động tác hay bài múa chỉ dừng lại ở mức xoay vòng tròn.