Vương triều Champa phần cuối
Vương triều Champa: nhận định khác về nguyên nhân sụp đổ
Qua 2 phần trước:
Vương triều Champa đã xây dựng một đế chế vững chắc dựa trên những cơ sở chính trị và tôn giáo của Ấn Độ – một quốc gia phương Đông có nhiều ảnh hưởng văn hóa đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đó là việc hình thành một đế chế vương quyền từ những tiểu quốc nhỏ và các tiểu vương phải thần phục đế vương (theo kiểu Mandala). Để làm được điều đó, các vị vua và đẳng cấp Bà La Môn đã tiếp thu những học thuyết khoa học và chính trị của Ấn Độ để xây dựng vương quyền cho dòng họ, đẳng cấp mình tôn thờ, phục vụ.
Từ xa xưa, Ấn Độ đã có những tác phẩm về chính trị – pháp luật cổ đại trong số đó là Luận về Chính trị (Arthasastra). Theo những quan niệm truyền thống của Ấn Độ, vua chính là hiện thân của thần trên mặt đất, là người thực thi chức năng của thần Indra và thần Yama trên mặt đất. Nhờ vậy, vua không chỉ là hiện thân của thần linh mà còn là người bảo vệ nhân dân và gìn giữ trật tự đất nước theo những “luật thiêng” nhưng vua không phải là người tạo ra luật mà luật là thiêng liêng đối với mọi người. Thậm chí, nếu vua phạm luật một cách trắng trợn thì sẽ bị thần dân lật đổ và do giai cấp Bà La Môn và triều thần sẽ là lực lượng chính.
Chính vì thế, trong lịch sử Champa, rất nhiều vị vua đã gắn tên mình với tên thần kể cả đang trị vì hay sau khi mất, quan niệm thần – vua đã trở thành bất diệt đối với dân chúng, triều đại sau tiếp tục tuân thủ, dâng cúng lễ vật những vị thần – vua của triều đại trước như những vị thần che chở cho vương quốc. Hoặc như chúng ta cũng thấy những vị vua bị phế vì không đủ điều kiện hay vì phạm vào luật thiêng.
Theo quan niệm về chính trị của Ấn Độ, việc đầu tiên của con người là chọn vua, sau đó mới chọn vợ và sau cùng mới là tích lũy tài sản. Vua không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ khỏi sự xâm lấn của kẻ thù bên ngoài mà còn phải bảo vệ cuộc sống, tài sản và phong tục của mọi người khỏi bị kẻ thù bên trong phá hoại. Vua phải bảo vệ sự trong sạch của đẳng cấp, gìn giữ trật tự của từng gia đình, trừng phạt sự phản bội giữa các cặp vợ chồng, bảo vệ người giàu khỏi bị người nghèo cướp bóc, bảo vệ người nghèo không bị người giàu bóc lột quá đáng. Đồng thời, vua phải là người ủng hộ tôn giáo nhiệt thành nhất, là người am hiểu và bảo trợ cho nghệ thuật, văn học. Điều này lý giải vì sao các vị vua Champa phải luôn chú ý phát triển xã hội, xây dựng đền tháp và gắn liền việc cai trị của mình với tôn giáo.
Ngoài vua được truyền theo huyết thống nhưng luật thiêng không cho phép hoàng đế yếu đuối, bệnh tật nối ngôi. Nếu vua mất mà không có người nối dõi hoặc người nối dõi không đúng như ý thì triều thần phải họp lại để chọn vua. Lịch sử chính trị của Champa là lịch sử mở rộng đất đai, thôn tính lẫn nhau giữa các vương hay các tiểu quốc và là lịch sử của các vị vua hay vương triều mạnh. Điều này cho thấy, giữa các vua chúa Champa luôn coi sự thoán đoạt hay thay thế theo một nguyên tắc: kẻ nào mạnh thì thắng hoặc kẻ nào không đủ phẩm chất làm vua phải rút lui. Đồng thời, luật thiêng quy định, nếu vua yếu cần phải giữ hòa bình còn vị vua mạnh thì phải tiến hành chiến tranh. Vì chiến tranh là sự tiếp tục chính sách bằng các phương tiện khác và mục đích của chiến tranh không phải là vinh quang mà là chiếm đất, chiếm tài sản để lập nên đế chế vĩ đại. Chính xu hướng quân phiệt này đã khiến vương triều Ấn Độ nói riêng và các vương triều ở khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của Ấn Độ trong đó có Champa luôn bị chia cắt và không bao giờ tạo ra được một đế chế thống nhất và bền vững lâu dài.
Phân tích tổ chức bộ máy chính trị ở trên cho thấy, thực ta, sau thời kỳ bị Chân Lạp đô hộ (1145 – 1226), Champa đã hoàn toàn khủng hoảng. Xã hội Champa mang nhiều bất công, phân cấp trong các tầng lớp và đặc biệt là sự tranh giành giữa các thế lực trong hoàng tộc dẫn đến sự suy yếu trong tổ chức chính trị – quân đội và xã hội. Mặc dù, dân tộc Champa đã xuất hiện nhiều anh hùng, nhiều vị vua tài đức, trí dũng trị vì đất nước phát triển rực rỡ nhưng do khong có sự liền mạch, kế thừa của các vị vua Champa nên các chính sách khôi phục đất nước không nhất quán.
Thêm vào đó, Champa lại còn chiến tranh liên miên, chống xâm lược, bị xâm lược và thậm chí gân hấn, xâm lược Đại Việt (1371 và 1390). Sự di chuyển chính quyền trung ương nhiều lần đã dẫn đến suy kiệt kinh tế và mất thời gian gây dựng lại cơ đồ vương quốc. Đồng thời, khác với các triều đại Trung Quốc và Đại Việt, Champa không duy trì chế độ tập ấm. Vua kế vị do vua trước chỉ định hoặc do quần thần, nhân dân tôn thờ cho nên nền chính trị Champa không ổn định (anh em, họ hàng, cha con, chú cháu, anh em rể giết chóc lẫn nhau giành ngôi báu) càng khiến cho lòng dân không phục, tạo nhiều mâu thuẫn trong xã hội cũng như trong nội bộ hoàng tộc, gây chia rẽ, mất đoàn kết lẫn nhau.
Mối quan hệ giữa Đại Việt và Champa khi thì hữu nghị, hợp tác cùng chống quân xâm lược; khi thì mối quan hệ khắng khít hôn nhân; khi thì chiến tranh qua lại lẫn nhau, do đó, Champa ngày càng mất dần vị thế của mình và trở thành một phiên thuộc của Chân Lạp hoặc bị người Java, Mã Lai, Xiêm lần lượt tiến đánh.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự sụp đổ của một vương triều dù đó là Phù Nam hay Champa.
Nhiều nguyên nhân đã được phân tích mổ xẻ nhưng phần đông đều cho rằng do yếu tố khách quan đó là sự tấn công từ bên ngoài của các nước xung quanh, trong đó, nhiều nhất là Đại Việt. Thậm chí, điều này dẫn đến sự dẫn giải “nguy hiểm”, gây mất đoàn kết khi nêu lại vấn đề lãnh thổ đất đai và mối quan hệ giữa Đại Việt và Champa.
Bài viết mong muốn đưa đến một nguyên nhân khác đó là nguyên nhân xuất phát từ trong nội tại của Champa. Tất cả những nguyên nhân bên trong lẫn nguyên nhân bên ngoài có thể khiến cho Champa sụp đổ. Dù gì đi nữa, những công trình người Champa xây dựng hoặc những nét văn hóa vật thể hay phi vật thể đang tồn tại trong cộng đồng Champa là những đóng góp quý báu, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa Việt Nam và người Chăm là 1 trong những dân tộc có dân số đông đúc trên lãnh thổ Việt Nam.