Du lịch tâm linh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng – đền Trần và Phủ Thiên trường.
Cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 3km có di tích đền Trần. Đây là đất Tức Mặc, quê hương của nhà Trần. Trong thế kỷ 13, nhà Trần xây dựng ở đây nhiều cung điện, như một kinh đo thứ hai, đổi tên làm phủ Thiên Trường. Nhà Trần suy vi, Tức Mặc cũng điêu tàn. Sau này, con cháu dựng lại nhà thờ, kiến trúc đền ngày nay mang phong cách xây dựng thời Nguyễn. Đền gồm 3 kiến trúc chính. Đền Thượng hay đền Thiên Trường ngay lối đi chính. Hai bên có đền Hạ hay đền Cố Trạch và cung Trùng Hoa mới xây dựng những năm gần đây.
Đền Thượng thờ bài vị 14 vua Trần. Năm 1852, khi tu sửa đền Thượng có đào được tấm bia đá chạm dòng chữ “Hưng Đạo thần vương cố trạch” ( nhà cũ của Hưng Đạo vương). Từ đó nhân dân dựng đền Cố Trạch. Đền Thiên Trường hiện tại gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch. Tiền đường của đền Thiên Trường gồm 5 gian, dài 13 mét. Có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả đều được đặt trên chân tảng bằng đá hình cánh sen có từ thời Trần là chân cột cung Trùng Quang cũ. Tại đây có đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần. Sau tiền đường là trung đường là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Tuy nhiên, không có tượng thờ mà chỉ có bài vị. Trước cửa trung đường có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế. Sau trung đường là chính tẩm gồm 3 gian. Đây là nơi thờ 4 vị thủy tổ của họ Trần và các phu nhân chính thất ở gian giữa. Các hoàng phi của nhà Trần cũng được đặt bài vị thờ ở 2 gian trái, phải. Tòa thiêu hương (hay kinh đàn) là nơi đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn, và ban thờ riêng cho các quan võ.
Các ngày lễ lớn có đại lễ mùa xuân điễn ra vào 14, 15 ,16 tháng giêng âm lịch. Sự kiện lớn nhất là Khai Ấn, người người chen chúc nhau vào xin dấu ấn của miếu nhà Trần về dán tại nhà để trừ tà ma, cầu phúc.
Sau khi nhà Trần thay thế nhà Lý cai quản đất nước (1226), trung tâm quyền lực quốc gia vẫn là Thăng Long. Làng Tức Mặc đơn thuần chỉ là quê cha đất tổ, chỉ có hành cung và tiên miếu để vua về làm lễ hàng năm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa thu tháng 8 năm Tân Mão (1231) vua ngự đến hành cung Tức Mặc làm lễ thưởng ở Tiên Miếu, ban yến cho các bô lão và cho lụa theo thứ bậc khác nhau”. Điều đó thể hiện truyền thống nhớ về cội nguồn của các vua nhà Trần.
Mùa xuân năm Kỷ Hợi (1239), chỉ sau 14 năm cầm quyền, mặc dù công việc đất nước bộn bề, vua Trần Thái Tông đã cử quan Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu sửa “gia từ” ở đất Khang Kiện, đồng thời xây dựng cung điện kiểu cách không khác Kinh đô Thăng Long. Như vậy năm 1239, Tức Mặc đã bắt đầu hình thành khu cung điện mang dáng dấp đế đô Thăng Long. Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), Thượng hoàng Trần Thái Tông ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn cho các hương lão tại đây.
Điều này có nghĩa, năm 1262 chúng ta đã có làng Tức Mặc với đơn vị hành chính là cấp hương (giống như ở thời Lý). Nhưng khi ấy, một làng (hương) to bằng một huyện bây giờ. Sau đó Thượng hoàng Trần Thái Tông đã xuống chiếu đổi hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép: Phủ Thiên Trường bao gồm 4 huyện: Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc và Thượng Nguyên. Hành cung Tức Mặc khi đó là thủ phủ. Kể từ khi chính thức được đổi thành Phủ Thiên Trường (1262) đến nay (2012), Thiên Trường- Nam Định đã trải qua 750 năm lịch sử.
Phủ Thiên Trường theo nghĩa hẹp chỉ quanh quẩn ở hương Tức Mặc, mà bây giờ hạt nhân của nó chính là khu Đền Trần. Bấy giờ Phủ Thiên Trường có 2 thiết chế triều chính (hai cung) và một thiết chế văn hóa (chùa Phổ Minh). Lúc đó đã có nghìn nghịt kẻ hầu người hạ nơi thành thị quân vương này. Diện mạo của đô thị đã hình thành từ thời đó. Và đô thị là một sản phẩm vô cùng quý của lịch sử Việt Nam. Lại có một Thiên Trường lớn nữa chính là cả vùng đất Nam Định bây giờ. Khi Ô Mã Nhi dẫn quân đuổi theo các vua nhà Trần, vua đã chạy về Thiên Trường mà giặc không tìm thấy. Đại Việt Sử ký toàn thư chép: sau đấy Vua nhà Trần đi ra biển bằng cửa Thiên Trường và thoát nạn. Mà cửa biển vua thoát nạn ấy cũng tên là Thiên Trường, nay là cửa Giao Thủy (cửa sông Hồng ra biển).
Những giá trị của phủ Thiên Trường: giá trị thứ nhất của Thiên Trường đó chính là sự hình thành diện mạo của một đô thị. Cái đô thị ấy là sản phẩm quý hiếm đối với lịch sử của một dân tộc mà hằng số gắn liền với 3 chữ N: Nông nghiệp- Nông dân- Nông thôn.
Giá trị thứ hai, Thiên Trường từng là một Trung tâm chính trị của đất nước, là nơi nghỉ ngơi, làm việc, điều hành đất nước của các Thái Thượng Hoàng. Theo Lịch triều hiến chương loại chí: “Các vua nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con đều về Thiên Trường. Mặc dù đã lui về Thiên Trường nhưng Thái Thượng Hoàng vẫn quan tâm đến chính sự, và vẫn có đủ quyền hành, kể cả quyền phế truất vua nọ, lập vua kia. Thượng Hoàng ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ”.
Giá trị thứ ba của Thiên Trường: đây còn là Trung tâm quân sự. Mấy đời vua Trần khi giặc đuổi đánh, đều rút chạy từ Thăng Long về Thiên Trường. Có nghĩa là các vua Trần đã biến Thiên Trường thành căn cứ quân sự. Và cũng từ Thiên Trường, các vua Trần tiếp tục gây dựng lực lượng, rồi đưa lực lượng đánh lại và thu phục Thăng Long. Thiên Trường có một vai trò lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông (lần 2 và lần thứ 3) của dân tộc.
Giá trị thứ tư, Thiên Trường là Trung tâm văn hóa, nơi ấy có kiến trúc cảnh quan: lâu đài, vườn Ngự uyển, nơi biểu diễn các trò múa hát… Đặc biệt những bài thơ hay nhất của đời Trần cũng được ra đời từ Thiên Trường. Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 3, vua Trần Thánh Tông đã làm bài thơ Hạnh Thiên- Trường hành cung (chơi hành cung Thiên Trường). Bài thơ được làm từ thế kỷ 13 trở nên nổi tiếng đến nỗi, cách đây chừng mươi năm, Tổng thống Chi Lê sang thăm Việt Nam, vào thăm quan Văn Miếu, ông chợt đọc hai câu trong bài thơ đó: “… Trăng vô sự chiếu người vô sự. Nước ngâm thu, lồng trời ngậm thu…”, và ngỏ ý muốn tìm hiểu để biết bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh nào. Hơn thế, tại phủ Thiên Trường, các vua Trần cũng giữ được tục xăm mình hình rồng (một tục lệ cổ truyền dòng họ nhà Trần còn giữ được). Đại Việt sử ký toàn thư cũng còn ghi: Vua cha Trần Nhân Tông nói với vua con Trần Anh Tông, họ nhà ta vốn người ở hạ lưu (vùng cuối sông, cửa biển), vì thế phải xăm mình hình rồng vào đùi để tỏ ra là người không quên gốc rễ, nguồn cội.
Nhóm SV ĐH Văn Lang K20 thực hiện