Du lịch tâm linh vùng châu thổ sông Hồng – chùa Quỳnh Lâm

Du lịch tâm linh: chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh)

Chùa Quỳnh Lâm (hay còn gọi là chùa Quỳnh) thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất trên vùng đất Quảng Ninh ngày nay – sớm hơn cả các chùa tháp ở Yên Tử. Theo các nhà nghiên cứu, qua các tài liệu thư tịch, trong đó có cả bia chùa thì chùa Quỳnh Lâm được xây dựng dưới triều vua Lý Thần Tông (1127-1138) và người có công lớn trong việc tạo dựng ngôi chùa là quốc sư Nguyễn Minh Không (1076-1141). Do chiến tranh, thời gian, đặc biệt là trận hoả hoạn năm 1910 khiến ngôi chùa xưa đã bị huỷ hoại gần như hoàn toàn.

Tượng chùa Quỳnh Lâm là một trong 4 vật được gọi “An Nam tứ đại khí”, nhưng đến nay không còn tồn tại. Tương truyền, tượng cao đến 6 trượng (khoảng 20 m). Thời giặc Minh xâm lược nước ta (1407-1427), chùa bị phá hủy, pho tượng bị cướp mang đi. Đầu thời Lê, chùa Quỳnh Lâm được dựng lại, nhưng đến đời Thiệu Trị (1841-1847) lại bị đốt trụi. Ngôi chùa ngày nay mới được xây dựng lại trong khoảng mươi năm gần đây. Xét về kiến trúc, chùa Quỳnh Lâm hiện nay không có giá trị về nghệ thuật, lịch sử mà giá trị của ngôi chùa chính là hệ thống bia ký, tháp đá, dấu tích khảo cổ học… mang dấu ấn của các triều đại hàng trăm năm trước.

Hiện vật đáng chú ý nhất tại chùa Quỳnh hiện nay là tấm bia đá dựng bên trái cổng chùa. Đây là một trong hai tấm bia đá cổ lớn nhất ở Quảng Ninh hiện nay (tấm bia kia là của chùa Hồ Thiên). Bia cao 2,4m, rộng 1,56m, dày 0,26m. Mặt bia đã bị bào mòn vát từ trái sang phải mất ở cạnh từ 1,5cm đến 3,5cm. Trên trán bia có trang trí hình rồng và trong các ô vuông chéo ở riềm bia cũng trang trí hình rồng nhỏ. Năm 1992, tại cuộc hội thảo khoa học về chùa Quỳnh Lâm, các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật đã đưa ra nhận định tấm bia này có niên đại thời Lý (thế kỷ 11-12). Tấm bia sau đó đã bị bào mòn cố ý nhưng ai bào và bào từ bao giờ thì chưa rõ.

Đáng chú ý là tấm bia “Trùng tu, tái tạo tiên du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi” lập năm 1629 có bài ký của tiến sĩ Nguyễn Thực (1554-1637) kể lại việc trùng tu tái tạo chùa Quỳnh, kèm theo lời tán tụng công đức của chúa Trịnh Tráng. Nội dung bài ký trên bia kể là đã trùng tu và làm lại điện phật, nhà thiên hương, nhà tiền đường, nhà giải vũ, nhà hậu phật, tam quan, gác chuông… Tổng cộng 100 gian. Những ghi chép như vậy không phản ánh hết các hoạt động của chùa Quỳnh ở những mốc thời gian khác nhau, song cũng cho ta hình dung về quy mô của chùa Quỳnh lớn đến mức nào và quy mô ấy đã được giữ như thế cho tới ít nhất là gần giữa thế kỷ 17.

Ngoài bia ký, chùa Quỳnh hiện còn giữ lại được khánh đá dài 1,25m, cao 0,70m còn nguyên vẹn nhưng không có niên đại; một lan can đá chạm hình một con rồng dài 3,25m, cao 1,1m, dày 0,46m. Rồng được chạm có hình dáng dữ tợn, thân không cuộn khúc mà chỉ cong lại như con lân, đường nét và hình khối thiếu mịn màng, khoẻ khoắn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là tác phẩm mang phong cách nghệ thuật cung đình đầu thế kỷ 17 – giai đoạn nghệ thuật dân tộc có xu thế nghiêm khắc, khô khan và xa lạ.

Ngoài các di vật bằng đá, đáng chú ý là Đại đức Thích Đạo Quang – trụ trì chùa Quỳnh hiện nay còn lưu giữ một sưu tập cổ vật khá phong phú. Trong số này có đôi bình men trắng ngà tô son nâu, có quai hình rồng, cao khoảng 40cm còn nguyên vẹn có niên đại thời Trần (thế kỷ 13-14), 2 đầu rồng bằng đất nung, ngói mũi hài tráng men xanh… là những dấu tích xưa của chùa Quỳnh, được tìm thấy trong quá trình đào mương thoát nước quanh chùa.

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm ngày nay diễn ra từ mùng 1 đến hết mùng 4 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Trong lễ, sau rước lễ của 7 thôn trong xã Tràng An về cúng Phật, tại khuôn viên chùa diễn ra các hoạt động như cuộc thi “Làng vui chơi, làng ca hát” với các nội dung thi gói bánh chưng, biểu diễn ca, múa, nhạc, tổ chức các trò chơi dân gian, đua thuyền và giải bóng chuyền nam, nữ của 7 thôn và 1 đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tham gia. Để lễ hội Quỳnh Lâm có một tầm cao mới, đúng với giá trị văn hoá đã có trong lịch sử, cần tìm được bản sắc riêng của lễ hội Quỳnh Lâm trong cụm các di tích nhà Trần tại Đông Triều dưới góc độ văn hóa, nghĩa là tìm ra cho lễ hội Quỳnh Lâm một bản sắc riêng, những nét “không đâu có” trong lịch sử để mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo thương hiệu riêng của Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm – một điểm du lịch văn hoá tâm linh ở Quảng Ninh.

Nhóm sinh viên K20 – VLU