Những suy nghĩ bước đầu về thực tiễn và hướng phát triển Du lịch tâm linh bền vững tại Việt Nam.
Trong du lịch hành hương ở Việt Nam hiện nay phổ biến hơn cả là hành hương Phật giáo. Việt Nam chúng ta có phần đông dân số theo đạo Phật hay có thiện cảm với Phật giáo đồng thời đi chùa lễ Phật cũng đã có từ xa xưa cho nên khác với các nước phương Tây khi nhắc đến hành hương, nhiều người Việt Nam thường nghĩ đến đi chùa hay hành hương Phật giáo. Ngoài ra, khảo sát hầu hết các chương trình du lịch của các công ty ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi thấy phần đông vẫn đưa chùa chiền hay cơ sở Phật giáo vào các chương trình du lịch ở Việt Nam, kể cả với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, việc đưa khách vào tham quan quá nhiều chùa trong một chương trình du lịch cũng khiến cho du khách đặt câu hỏi về sự nghèo nàn điểm tham quan hay vì lý do hầu hết các chùa ở Việt Nam đều không phải mất phí vào cửa. Chính vì những lý do trên, trong thời gian gần đây, chúng ta nhận thấy có các trung tâm du lịch tâm linh giải quyết những vấn đề nói trên khi kết hợp tham quan di sản, danh lam thắng cảnh với hành hương tâm linh. Đó là Di sản hỗn hợp với chùa Bái Đính – Tràng An hay Trúc Lâm Yên Tử. Hoặc gần đây nhất, Tổng cục du lịch đã tiến hành khảo sát, tổ chức hội thảo (8/2014) để cho ra đời một sản phẩm du lịch tâm linh, biển đảo của các tỉnh duyên hải Đông bắc. Đó là: Con đường du lịch tâm linh vùng Duyên hải Đông bắc gắn với thời đại nhà Trần. Còn chưa kể đến các địa phương như Quảng Bình, An Giang, Bến Tre, Tây Ninh với những công trình, kiến trúc tôn giáo đặc sắc cũng ra sức xây dựng sản phẩm mang đặc thù du lịch tâm linh để thu hút du khách.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có những ngôi chùa xưa nhất như: chùa Giác Lâm năm 1744, kiến trúc đẹp như Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm hay trường Phật học lớn như Thiền viện Vạn Hạnh. Tất cả đều là những điểm du lịch tâm linh tiềm tàng. Cũng do là một thành phố lớn, đông dân, phát triển mạnh về kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu cả nước với nhiều mô hình thí điểm cả về kinh tế lẫn văn hóa. Từ khi đổi mới 1986, nhất là đổi mới về tư duy, Thành phố đã mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch cũng như kinh tế. Từ năm 1990, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cũng như mặt bằng thu nhập, dân trí, trình độ thưởng thức văn hóa của người dân ngày càng cao và do đó, các di tích lịch sử, chùa chiền, thắng tích trong cả nước và cả nước ngoài đã trở thành mục tiêu tổ chức, chương trình tham quan, khám phá và trải nghiệm cũng như là điểm đến thiêng liêng của các công ty du lịch và du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, nhiều công ty du lịch ra đời do lợi thế về dịch vụ vận chuyển hay lưu trú mà Thành phố đã trở thành điểm trung gian, góp phần phát triển du lịch.
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có chính sách và kế hoạch riêng cho dòng sản phẩm du lịch tâm linh khi khai thác những địa điểm trong nước, đặc biệt khai thác địa điểm mới như Bái Đính – Ninh Bình kể cả tour nước ngoài như Myanmar, Tây Tạng, Ấn Độ, tour Hồng Kong cũng thiết kế điểm tham quan Đại Nhĩ Sơn – ngắm Đại Phật hay đi Singapore – viếng chùa Phật Nha. Tuy các công ty này không đưa tiêu chí tâm linh hay hành hương lên hàng đầu nhưng việc đưa thêm những chương trình này vào cũng thu hút du khách phần là khám phá những điểm đến mới nhưng cũng không ít du khách là các tín đồ. Ngoài những đơn vị như ta biết, nhiều công ty chuyên tour hành hương hay tâm linh đã làm cho du lịch tâm linh nâng lên tầm cao mới như Ngọc Việt, Hoa Thiền, Hành hương Việt, Đạo Phật ngày nay, v.v… Đối tượng khách của các công ty này chắc chắn mang tính chọn lọc cao cho từng chương trình cụ thể. Cộng với chính sách visa (như Sri Lanka, Ấn Độ xin thị thực trên mạng, Myanmar miễn thị thực), hàng không khuyến mãi, các chương trình du lịch hành hương của các công ty này càng có thêm nhiều lựa chọn để phát triển dòng sản phẩm chuyên đề.
Ở Việt Nam, những lý do về tình hình kinh tế ảm đạm của thế giới, bạo lực lan tràn, xung đột sắc tộc, tôn giáo, thiên tai, khủng bố, chiến tranh diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng khiến con người đồng cảm, buồn chán, suy nghĩ, tìm đến chốn nương thân tinh thần cho thể xác mệt mỏi. Việc giải thoát bản thân hay tinh thần khỏi cuộc sống áp lực hàng ngày hay tìm đến thế giới quan rộng lớn hơn, sâu xa hơn, nhu cầu học hỏi, khám phá thế giới cùng lúc với khám phá chính bản thân đã làm cho nhu cầu du lịch tâm linh tăng cao.
Bên cạnh đó, du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về kinh tế và xã hội thể hiện qua văn bản pháp luật, đường lối chính sách của Nhà nước về công tác tôn giáo cũng như phát triển du lịch tâm linh như là một giải pháp, đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh nhưng giá trị truyền thống, nhân văn cao cả. Đó là chưa kể đến đóng góp của du lịch tâm linh vào phát triển kinh tế của doanh nghiệp lẫn địa phương mà chùa Hương, Yên Tử và chùa Bái Đính là một ví dụ. Nhiều tôn giáo cùng tồn tại, đóng góp sức mình vào công cuộc xây và giữ nước với triết lý, giáo pháp, đức tin, những giá trị vật thể và phi vật thể là những ngôi chùa, tòa thánh, những công trình văn hóa tôn giáo gắn với di tích và lịch sử dân tộc là điều kiện thuận lợi để du lịch tâm linh phát triển.
Thêm vào đó, truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên càng khiến cho hoạt động tâm linh phát triển, kéo theo du lịch tâm linh. Vấn đề hội nhập và toàn cầu hóa cũng được xem là một động lực phát triển du lịch tâm linh khi chúng ta thực hiện miễn visa để thu hút khách du lịch và cũng để tiếp cận với thế giới về phát triển du lịch tâm linh theo hướng du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm mà Hội thảo năm 2013 là một thí dụ cụ thể. Chính sách, pháp luật về du lịch của Nhà nước từ Chiến lược phát triển du lịch, Luật du lịch hay pháp lệnh tôn giáo đều là những tiền đề cho sự phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam từ quy mô hình thức trong và ngoài nước. Các hoạt động tôn giáo rầm rộ, trong đó có Phật giáo như nghinh tượng, khánh thành bảo tháp xá lợi, tượng Phật ngọc, Phật hoàng Trần Nhân tông, tiếp đón các đoàn Phật giáo Tây Tạng và mới nhất là Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc vừa qua càng làm Việt Nam có thể trở thành điểm đến cho du lịch tâm linh trong tương lai.
Từ đó, để phát triển du lịch tâm linh, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, du lịch tâm linh cần được đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi bậc kể cả cảnh quan thiên nhiên và văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam (như việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc hay Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận Di sản là diển hình); phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh với chủ lực là các chương trình điểm đến hành hương trong nước và các địa danh ở nước ngoài; tăng cường quảng bá thu hút đầu tư vào du lịch tâm linh, du khách quốc tế đến Việt Nam như một điểm đến của du lịch tâm linh; tạo được cán cân hài hòa giữa dân địa phương với chính quyền quản lý và nhà cung cấp dịch vụ sao cho du khách du lịch tâm linh được hưởng quyền lợi trọn vẹn nhất; đặc biệt chú ý phát triển đời sống nhân dân kể cả tác động của khách du lịch đến cư dân địa phương và ngược lại, hướng tới giá trị chân thiện mỹ và thúc đẩy tiến bộ xã hội, văn minh và bài trừ dần mê tín, dị đoan.
Du lịch tâm linh đã và đang trở thành đề tài được quan tâm trên toàn thế giới. Không chỉ những nhà nghiên cứu đang tìm tiếng nói chung để định nghĩa, đưa ra khái niệm cho du lịch tâm linh mà Hội thảo ở Ninh Bình là một thí dụ mà còn những nhà kinh tế, quản lý cũng đang đi tìm hướng phát triển cho du lịch tâm linh. Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh: “Phát triển du lịch tâm linh chính là khai thác yếu tố truyền thống với tầm phát triển cao hơn. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc đầu tư cho du lịch tâm linh phải đề cao chất lượng, hình thức phục vụ, vừa đạt nhu cầu thưởng thức tự nhiên của du khách, vừa thu được lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa” [http://dulich.baobinhthuan.com.vn/en-us/store/5681-du-lich-tam-linh-huong-phat-trien-hai-hoa-voi-van-hoa.html]. Luận điểm này đã nhấn mạnh hài hòa bảo tồn và phát triển; giữa du lịch và văn hóa. Với đà phát triển hiện nay, ngành du lịch càng đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại hình du lịch như một động lực cho sự phát triền, tuy nhiên khái niệm phát triển bền vững luôn xuất hiện trong các chính sách Nhà nước về du lịch. Một giải pháp đồng bộ được đặt ra giữa địa phương quản lý, công ty du lịch và du khách luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau nhằm tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng.
Luận điểm này đã nhấn mạnh hài hòa bảo tồn và phát triển; giữa du lịch và văn hóa. Với đà phát triển hiện nay, ngành du lịch càng đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại hình du lịch như một động lực cho sự phát triền, tuy nhiên khái niệm phát triển bền vững luôn xuất hiện trong các chính sách Nhà nước về du lịch. Một giải pháp đồng bộ được đặt ra giữa địa phương quản lý, công ty du lịch và du khách luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau nhằm tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng.