Bản đồ tư duy cho bài thuyết minh về chủ đề lịch sử

Mục lục

Bản đồ tư duy về Chủ đề lịch sử

Hướng tiếp cận

Một là, bạn có thể nghiên cứu, hệ thống và tổng hợp lại cách “đồng đại”. Nghĩa là, lấy mốc thời gian cụ thể nào đó, sau đó, mở rộng ra nhiều nơi khác, xem có những sự kiện gì cùng xảy ra trong năm đó. Nếu đam mê và đủ tư liệu để tìm thì bạn cũng có thể mở rộng là nhiều quốc gia khác nhau.

Hai là, bạn có thể nghiên cứu, hệ thống và tổng hợp lại theo cách “lịch đại”. Nghĩa là, chọn ra những mộc thời gian chính, quan trọng, có liên quan đến chủ đề mình đang muốn trình bày. KHÔNG nhất thiết phải theo thứ tự từng năm liên tiếp, chỉ cần chọn lọc ra những năm có sự kiện chính mà thôi.

Thực hành nhân việc đọc tác phẩm “Mạc Thị gia phả”

Trước hết, tác phẩm được đưa ra thực hành là cuốn Mạc Thị Gia phả do Dinh Đức Hầu Vũ Thế Dinh, con nuôi của Mạc Thiên Tích (Tứ) viết và tác giả Nguyễn Khắc Thuần dịch, giới thiệu và chú thích. Tác phẩm được Nhà xuất bản Giáo dục in vào năm 2006. Nhân tiện, tôi chân thành cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Cao Trí đã tặng tôi quyển sách này.

Tiếp cận theo lịch đại

  1. Mạc Cửu (1655 – 1735) đến Mang Khảm vào năm 1671, khi mới 16 tuổi. Đọc đến đây, nếu các bạn có tìm hiểu chợt nhớ ra ngay chi tiết: hóa ra Mạc Cửu đã đến Việt Nam ngày nay trước cả những nhân vật Trần Thượng Xuyên hay Dương Ngạn Địch (1679). Đồng thời, vùng đất ông đến là Mang Khảm, lúc bấy giờ chưa thuộc về Đàng Trong hay Việt Nam ngày nay, trong khi nhóm kia lại đến Nông Nại và Mỹ Tho Đại phố theo sự cho phép của chúa Nguyễn. Cả hai đều diễn ra dưới thời của chúa Nguyễn Phúc Tần cai trị Đàng Trong từ 1648 – 1687.
  2. Mạc Cửu dâng nạp đất Mang Khảm (Hà Tiên) theo nhiều sách ghi chép là năm 1708, trong khi trong Mạc Thị Gia Phả thì đó là vào năm 1714, thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Nếu như chúng ta hệ thống, tổng hợp theo lịch đại thì sẽ thấy những cột mốc đó là: Năm 1620 – chúa Nguyễn Phúc Nguyên – công chúa Ngọc Vạn – Chey Chetta II; năm 1671 – Mạc Cửu đến Mang Khảm; năm 1679 – Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch – Nông nại và Mỹ Tho đại phố. Nhìn theo lịch đại và bản đồ sẽ thấy rõ từng vùng đất, chưa liên hoàn với nhau nhưng đã thành từng khu định cư riêng biệt. Nếu như Nông nại và Mỹ Tho là sự khai phá và quản lý của chúa Nguyễn thì bấy giờ, đất Mang Khảm vẫn thuộc Chân Lạp mà Mạc Cửu được phong làm Ốc nha. Như vậy, đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Hà Tiên được chúa coi như một tiểu vương quốc thống thuộc xứ Đàng Trong – một dạng chư hầu.

Mở rộng: Sau hành động này, Mạc Cửu được chúa ban tặng 7 chữ: Thiên – Hạ – Công – Hầu – Bá – Tử – Nam, còn được gọi là Thất diệp phiên hàn. Vì lẽ này, Mạc Thiên Tích (hay Tứ) là con của Mạc Cửu, bắt đầu theo lệ này mà có chữ lót. Dù Tích hay Tứ đều có nghĩa là người trên ban cho người dưới. Tuy nhiên, có một điều mà Mạc Thị Gia phả có nhắc đến, đó là: chúa còn cho phép họ Mạc dùng Ngũ hành để đặt tên cho các đời thì ghép vào. Cụ thể, Tích bên trái có bộ KIM – có trong Ngũ hành, còn Tứ bên trái có bộ BỐi, không hợp ghép tên theo Ngũ hành. Từ đó, tên Tứ đổi ra Tích cũng có ý của nó.

Tiếp cận theo đồng đại

  1. Mạc Thị Gia phả cho ta cái nhìn tổng thể về các mối quan hệ, các trận đánh giữa Đàng Trong – Đàng Ngoài; giữa Nguyễn Ánh – Tây Sơn; giữa Xiêm La (Trịnh Tân hay Trịnh Tạc) – Nguyễn Ánh; giữa Xiêm La của Chất Tri (Đệ nhất – Đệ nhị vương) – Tây Sơn (Rạch Gầm – Xoài Mút); giữa Nguyễn Ánh sau khi quay lại Gia Định đến lúc phục quốc. Tất cả mọi việc trọng đại nêu trên chỉ diễn ra trong khoảng 50 năm từ 1756 cho đến 1799. Nếu như không có cái nhìn đồng đại, toàn cảnh về cùng thời gian đó Đàng Ngoài có gì, Đàng Trong có gì; Xiêm La có gì; Chân Lạp có gì và Tây Sơn có gì thì sẽ đưa ra những nhận định sai lầm. Tuy nhiên, hướng dẫn viên tùy theo từng quan điểm, khía cạnh hay chủ đề thuyết trình mà nên chọn một phần nào đó, một vùng nào đó hay một “triều đại” nào đó để trình bày thì sẽ dễ dàng bóc tách, thuyết phục hơn.
  2. Mạc Thiên Tích (1706 – 1780), lên nối vị Mạc Cửu từ 1735, đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ biên cương và giúp đỡ gia đình hoàng gia Cao Miên. Năm 1756, Nặc Nguyên chết. Chú họ là Nặc Nhuận tạm coi việc nước nhưng Nặc Nhuận lại bị con rể là Nặc Hinh giết chết, giành ngôi. Con Nặc Nguyên là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên xin trợ giúp. Được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban chiếu, Mạc Thiên Tích cùng quân Gia Định hộ tống đưa Nặc Tôn lên làm vương năm 1757. Chính hành động này, Nặc Tôn đem dâng tặng 5 châu: Sài mạt, Linh quỳnh, Cần bột, Hương úc và Chân sum (nay đều thuộc Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau). Tạm dừng ở đây một chút để nhìn lại bản đồ, nếu ráp thêm vùng này thì toàn bộ vùng duyên hải từ Tiền Giang đến Kiên Giang ngày nay, kết hợp với cả Long Xuyên, Gia Định thì chỉ còn mỗi vùng Đồng Tháp là chưa thuộc về Đàng Trong.
  3. Sau khi Miến Điện (còn gọi là Hoa Đỗ hay Phù Ma – Burma) rút lui khỏi Xiêm La, Trịnh Tân hay Trịnh Quốc Anh (tiếng Thái gọi là Taksin) là người gốc Hoa nhân cơ hội loạn lạc này để lên làm vua của Thonburi trong suốt 15 năm từ 1767 – 1782. Ông cho rằng hậu duệ vua Xiêm La đang sinh sống dưới sự bảo trợ của Hà Tiên nên đã âm mưu tấn công vào Hà Tiên và kể cả Cao Miên. Một mình Mạc Thiên Tích không đủ sức chống chọi, phần thiếu đi sự trợ giúp cần thiết từ Gia Định nên Mạc Thiên Tích phải bỏ đất Hà Tiên. Đến khi dâng biểu về triều thì gặp trở ngại do phong trào Tây Sơn khởi lên đánh chiếm thành Quy Nhơn 1771. Đến năm 1773, Mạc Thiên Tích mới quay trở lại Hà Tiên.
  4. Năm 1774, chúa Trịnh cho Hoàng Ngũ Phúc tiến vào đánh Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Thuần theo đường biển vào Gia Định. Năm 1776, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Lữ tấn công Gia Định lần thứ 1. Năm 1777, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị bắt, Mạc Thiên Tích lưu lạc sang Xiêm La, lại được chính Trịnh Tân đón tiếp nồng hậu. Năm 1778, Đỗ Thanh Nhân khôi phục Gia Định tôn Nguyễn Ánh làm vua. Lúc bấy giờ, Nguyễn Ánh lại kêu Mạc Thiên Tích từ Xiêm La quay về. Do trúng kế phản gián của Tây Sơn, Trịnh Tân – vua Xiêm La nghi ngờ mục đích chính của Nguyễn Ánh và Mạc Thiên Tích là đánh chiếm Xiêm La cho nên đã cho bắt giam con cháu của Mạc Thiên Tích. Đến năm 1780, Mạc Thiên Tích đã bị ép uống thuốc độc tự vẫn. Đến năm 1782, Chất Tri (tiếng Thái gọi là Chakri) đã kéo quân về trị tội Trịnh Tân và được tôn lên làm vua chính là vua Rama I của thủ đô Krung Thep (tức Bangkok ngày nay).
  5. Quá trình suy vọng, tẩu quốc cũng như mối ân tình hoạn nạn có nhau dưới sự cai trị của Trịnh Tân mà ngay cả Mạc Thiên Tích cũng tử nạn cùng con cháu mình. Tuy nhiên, cũng có 3 người còn sống là Mạc Tử Sinh, Mạc Tử Tuấn và Mạc Tử Thiêm là nhớ vị tướng người Xiêm. Chính mối thâm tình này, Chất Tri đã cho 2 cháu của mình là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân Xiêm sang nước ta. Nguyễn Huệ hay tin từ Quy Nhơn kéo quân vào và đó là trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785. Sau đó, Chất Tri định giúp sức lần nữa thì quân Miến Điện lại sang xâm lấn nên quân đội Xiêm La phải chống xâm lăng năm 1786. Thế là, Nguyễn Ánh tự mình chiến đấu trong công cuộc phục quốc của mình năm 1787, rồi chiếm Gia Định năm 1788. Trong thời điểm này, Nguyễn Huệ tiến ra Phú Xuân rồi ra Thăng Long, đánh bại quân nhà Thanh trong trận đánh Gò Đống Đa năm 1789. Sau khi Nguyễn Huệ mất 1791, quân nhà Nguyễn tiến như vũ bão, chẳng mấy chốc chiếm thành Quy Nhơn năm 1799 và hoàn tất vào năm 1801 để rồi lập ra triều Nguyễn như ta từng biết.

Tạm kết

Bài viết chủ yếu đưa ra thủ pháp để các bạn lần theo đó mà xây dựng hệ thống thông tin mình quan tâm hay cần thiết cho đề tài của mình. Các bạn cũng không cần theo hết tất cả những ý này mà hoàn toàn có thể tự soạn tùy thích. Đọc đến những dòng có những sự kiện lịch sử, tôi khuyên các bạn dừng lại đôi chút, dùng kiến thức của mình để xem cái năm tôi vừa đề cập có sự kiện gì xảy ra và xảy ra ở đâu, liên quan đến ai. Nếu không nhớ, có thể bấm vào công cụ tìm kiếm google nhưng tuyệt đối không đi lạc đề hay sao chép nó về mà hãy đọc để nắm thêm thông tin mà thôi. Ví dụ: bài viết trên chẳng những cung cấp cho các bạn có thêm đề tài thuyết minh về mối quan hệ giữa Đàng Trong và Xiêm La hay mối quan hệ giữa Hà Tiên của Mạc Thiên Tích với hai triều đại Thonburi và Krung Thep (rất hay cho các bạn đi tour Thái Lan). Hoặc ta đọc đến những năm tháng bôn ba của Nguyễn Ánh cũng có thể tìm thêm về Giám Mục Bá Đa Lộc hay sự kiện của hoàng tử Cảnh. Hoặc trận đánh đầm Thị Nại hay thành Quy Nhơn, sự đối đầu của 2 danh tướng Trần Quang Diệu – Tây Sơn và Võ Tánh – Nguyễn Ánh. Nếu như trận đánh giữa Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy đối đầu với Võ Văn Dũng trên đầm Thị Nại thì chính việc tử thủ, cầm cự trong suốt 14 tháng của Võ Tánh đã kiềm chân Trần Quang Diệu để đoàn quân của Nguyễn Ánh kéo đến Phú Xuân 1801.

Hi vọng các bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị!