Phù Nam – Phát triển cường thịnh

PHÙ NAM PHÁT TRIỂN THÀNH CƯỜNG QUỐC TRONG KHU VỰC

Trong quá trình phát triển, Vương quốc Phù Nam đã chú trọng đến việc hình thành các thương cảng phục vụ cho việc giao thương với các xứ khác. Bởi vậy trong giai đoạn phát triển cực thịnh của mình, Phù Nam không chỉ có một thương cảng Óc Eo (An Giang) và một tiền cảng Nền Chùa (Kiên Giang), mà còn có các thương điếm từ Óc Eo qua Đá Nổi đến Phú Long (Sa Đéc), Gò Thành (Vĩnh Long) rồi các trung tâm ở vùng Mỹ Tho – Gò Công trước khi đến Cần Giờ đổ ra Biển Đông.

Vùng vịnh cổ này chạy theo hướng Đông – Tây từ mũi Vũng Tàu đến cửa sông cổ ở Thoại Giang, Thoại Sơn, An Giang “phải đi qua hàng trăm dặm dọc theo con sông trong vùng rừng sác (người Nam Bộ gọi cây mắm là cây sác) để đến kinh đô Phù Nam. Sự vận hành hai con đường mậu dịch lớn nhất hành tinh: “Con đường tơ lụa” và “Con đường hương liệu”, trong vài thế kỷ đầu và trước CN đã tạo điều kiện hình thành, phát triển một loạt các quốc gia Trung Á và Đông Nam Á.

Phù Nam là một “quốc gia – đô thị” sớm nhất ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, cũng là quốc gia thế lực nhất vùng Đông Nam Á kiểm soát con đường hương liệu. Khi đế quốc La Mã mở rộng giao thương với người Ấn qua biển Ả Rập thì con đường thương thuyền Ấn Độ – Trung Hoa được nối dài từ Đông sang Tây Ấn Độ đến các thương cảng trong vịnh Ba Tư hay trên bờ Biển Đỏ. Sự nối dài này làm cho giao thương đường biển trở nên nhộn nhịp, các quốc gia trở nên năng động và nhanh chóng giàu có; chủng loại và số lượng hàng hóa lưu thông ngày một lớn. Trong số hàng hóa như tơ lụa, kim loại, đồ gốm sứ, trang sức, đá quí, ngọc trai, gỗ… thì các loại gia vị và hương liệu đặc sản vùng Đông Nam Á trở thành đối tượng giao thương toàn cầu.

Với sức mạnh kinh tế và quân sự của mình, Phù Nam đã chi phối, kiểm soát “con đường hương liệu” trong khu vực. Việc buôn bán hương liệu bắt đầu bằng khai thác các loại trầm hương, quế, đậu khấu, tiêu sọ. Các chuyến tàu của Phù Nam từ Óc Eo sẽ ghé qua các cảng quế ở Hội An, Hải Phòng, đợi đến mùa gió Đông Bắc đến các quần đảo gia vị trong biển Celebes, Moluccas và Bandas (thuộc In-đô-nê-xia ngày nay) rồi quay trở lại đảo Trường Sa. Tại đây các sản vật, nhất là hương liệu và gia vị được đưa lên tàu hàng xuất khẩu đến Trung Hoa, Nhật Bản hay qua Ấn Độ đến các kho chứa trên bờ biển Đỏ hoặc trong vịnh Ba Tư. Tại đó hương liệu Phù Nam và hàng hóa theo đường bộ La Mã tiếp tục đến các nước châu Âu. Dựa vào sức mạnh thương mại trên biển, Vương quốc Phù Nam lấn sang và chi phối hệ thống tài chính trong khu vực, trong đó có hệ thống thanh toán tiền tệ. Tiền của Phù Nam được sử dụng từ Miama, Philippin, các đảo vùng Đông Nam Á…

Nếu ai qua các di chỉ Óc Eo ngày nay, chắc hẳn đều đặt câu hỏi nghi vấn, hiện tại nơi đây là một vùng đồng bằng cạn, xung quanh là núi và cách xa biển. Vậy vì sao lại có thương cảng Óc Eo? Qua nhiều lần khảo cứu, các nhà khoa học, khảo cổ học trong nước và quốc tế đã nhận định rằng: hàng nghìn năm trước đây, thềm lục địa biển Đông Việt Nam, mực nước biển vẫn còn nằm ở đường đẳng sâu hơn hiện tại 100-200m, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long chìm trong nước biển. Đến khoảng 2.500 năm trước, nước biển lại dâng lên 2- 2,5m so với hiện tại. Một lần nữa, đồng bằng sông Cửu Long lại bị thu hẹp, nhiều cánh đồng trở thành biển nông ven bờ, những vùng đất thấp trở thành bãi lầy ven biển. Khi đó, Ba Thê (An Giang) là một eo biển với địa hình tránh bão, là nơi neo đậu, dừng chân lý tưởng của thương thuyền các nước. Về sau, do hiện tượng biển lùi, nơi đây chỉ còn lại là những cánh đồng quanh sườn núi. Ngày xưa, nơi này nổi tiếng có nhiều ốc biển.

Đến bây giờ, khi đào nền móng xây dựng một số công trình ở quanh vùng Ba Thê người ta vẫn bắt gặp những “mỏ” vỏ ốc khổng lồ trong lòng đất. Có thể tên gọi Óc Eo cũng bắt nguồn từ đó. Do có địa thế thuận lợi như thế nên thương cảng Óc Eo trở thành một điểm đến, điểm dừng chân tránh bão, đợi mùa gió thuận và trao đổi mua bán hết sức lý tưởng và quan trọng của giới thương buôn các nước. Thương cảng Óc Eo chia làm hai khu vực: Khu phía Đông kinh thành giống như khu “chợ nổi”, tại đây các ghe tàu lui tới trao đổi hàng hóa với cư dân tại chỗ, là nơi cung cấp lương thực cho cư dân nội thành gồm vua, đạo sĩ, quan lại, quân lính; khu vực phía Nam là khu neo đậu của các tàu hàng viễn dương để tiếp nhận hàng hóa, sản vật từ các tàu khác trong vùng. Nơi đây cũng là điểm trao đổi hàng hóa giữa các con tàu đến từ nước khác, khiến nơi này trở thành điểm hội tụ các đoàn tàu trên “con đường hương liệu”. Thương cảng Óc Eo trở thành nơi hoạt động nhộn nhịp nhất vùng suốt nhiều thế kỷ đầu Công nguyên.

Đón xem phần 4: NHỮNG CUỘC CHINH PHẠT & SỰ SỤP ĐỔ CỦA MỘT VƯƠNG TRIỀU