Vương quốc Phù Nam được xác định là một quốc gia cổ đại – Nhà nước đầu tiên có nền chính trị- kinh tế hùng mạnh ở Đông Nam Á trong 6 thế kỷ đầu Công nguyên.
Quốc gia này để lại cho chúng ta nền Văn hóa Óc Eo. Đây là một nền văn hóa, văn minh cổ đại xuất hiện sớm nhất vùng Đông Nam Á. Phù Nam đã có một thời kỳ hình thành, phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhưng về sau gặp biến cố nên đã bị suy vong và biến mất. Tất cả đền đài, thành quách đều bị chôn vùi trong lòng đất suốt hàng nghìn năm. Về sau người ta chỉ biết đến Vương quốc Phù Nam qua sự phát hiện ra nền văn hóa Óc Eo từ cuộc khai quật của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret tại gò Óc Eo (Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào năm 1944. Với những gì Louis Malleret phát hiện, cùng với những kết quả khảo cổ của các đồng nghiệp Việt Nam, trong đó có PGS.TS Đặng Văn Thắng sau này đã vẽ nên một nền văn hóa cổ từng tồn tại và phát triển rực rỡ ở đồng bằng sông Cửu Long từ những thế kỷ trướng Công Nguyên đến thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên.
Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng cùng các nhà khảo cổ, thì nền Văn hóa Óc Eo được chia ra làm 3 thời giai đoạn:
- Từ trước Công Nguyên đến Thế kỷ II sau Công nguyên: Đây là giai đoạn Tiền Óc eo (Kinh đô là Na Phật Na).
- Từ thế kỷ thứ II đến Thế kỷ thứ VI: Đây là giai đoạn Óc Eo phát triển. Từ Vương Quốc Phù Nam phát triển lên thành Đế quốc Phù Nam với diện tích rộng lớn: toàn bộ đất nước Cambodia, Lào, Thái Lan, một phần Myanmar, một phần Malaysia. Lấy Kinh đô là Angkor Borei.
- Từ thế kỷ thứ VII đến Thế kỷ XII: Hậu Óc Eo
Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng, ông đã viết trong quyển “Na Phật Na – Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam”: “Vương quốc Phù Nam được hình thành từ các tiểu quốc (Tiểu quốc trong Mandala), mà tiểu quốc đầu tiên là Na Phật Na (Nafuna/Naravaranagara) trung tâm là vùng đất Óc Eo ngày nay.
Từ Na Phật Na (Óc Eo) phát triển rộng ra hình thành tiểu quốc Na Phật Na, tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy”, tiểu quốc Cát Tiên và các tiểu quốc khác nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Lúc cực thịnh, vua Phạm Mạn (220-225) tự xưng “Phù Nam Đại vương”, chiếm được hơn 10 nước, “mở rộng đất đai đến năm sáu nghìn dặm” khắp Đông Nam Á. Tiểu quốc Na Phật Na từng là vùng trung tâm trong mandala, là vùng địa lý ở sông Hậu, bao gồm khu vực vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh, vùng lòng chảo Ô Môn Phụng Hiệp và vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu,….
Trung tâm vùng Tứ giác Long Xuyên – khu di tích Óc Eo cho đến nay vẫn được nhìn nhận là địa điểm khảo cổ có quy mô rộng lớn nhất, tập trung nhiều di tích nhất, di tích đa dạng nhất và có tổ hợp di vật lớn nhất về số lượng, đa dạng nhất về chủng loại, cao cấp nhất về trình độ kỹ thuật, về thẩm mỹ nghệ thuật so với những vùng khác trong vương quốc Phù Nam”
Đón xem phần 2: NGUỒN GỐC RA ĐỜI CỦA NHÀ NƯỚC PHÙ NAM & HINDU GIÁO