Du lịch tâm linh PHỦ DẦY – NAM ĐỊNH
Từ trung tâm thành phố Ninh Bình, theo quốc lộ 10 ta sẽ đến tỉnh Nam Định. Trên quốc lộ 10 ta sẽ đến quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống Phủ Dầy.
Thành ngữ dân gian một số nơi ở miền Bắc có câu:
“Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.
Cha là Trần Hưng Đạo, còn Mẹ chính là bà Chúa Liễu Hạnh.
Bà Chúa Liễu Hạnh là ai?
Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân”. Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.
Truyền thuyết kể rằng vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam; có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vỉ Nhuế (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga.
Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình.
Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462), cha của nàng qua đời. Hai năm sau mẹ của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủNghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, ở đây có đền thờ cha và mẹ của Phạm Tiên Nga).
Sau ba năm để tang cha mẹ, lo mồ yên mả đẹp, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện (lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi). Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng. Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dầy với Phủ Quảng Cung).
Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dậy dỗ con em nhà nghèo được học hành.
Năm 36 tuổi, Bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ cha và mẹ.
Sau đó hai năm, Bà tới tu sửa chùa Sơn Trường – Ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn – Duy Tiên, Hà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn xá – Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa Đồn xá, Bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dậy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.
Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), Bà trở lại chùa Kim Thoa, và tháng 9 năm ấy, Bà trở về quê cũ cùng các anh chị con ông bác tu sửa đền thờ Tổ họ Phạm khang trang bề thế (nay còn đền thờ ở phía nam xóm Đình thôn La Ngạn). Sau đó Bà lại đi chu du ở trong hạt, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái. Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, Bà đã hoá thần về trời. Năm đó Bà vừa tròn 40 tuổi.
Kiến trúc Phủ Dầy
Phủ Dầy – là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh(phủ chính), ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh. Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn bà chúa Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.
Trong tâm thức dân gian người Việt Nam, bà Chúa Liễu đã được suy tôn là Thánh Mẫu, là một trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt Nam. Huyền thoại về Bà được truyền tụng rộng khắp từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên vùng núi. Hơn thế nữa, những huyền thoại này gắn với di tích tôn thờ Bà ở khắp mọi nơi, mà phủ Giầy là trung tâm, gắn với các sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa, trong đó tiêu biểu nhất là hội phủ Giầy.
Phủ Giầy có tên cổ là Kẻ Giầy, từ sau khi Liễu Hạnh được sắc phong công chúa thì được gọi là Phủ. Thực ra ở phủ Giầy có một hệ thống kiến trúc liên quan tới Liễu Hạnh, đó là phủ chính, phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.
Phủ chính là một kiến trúc khá qui mô, gồm ba lớp điện thờ, mặt đều quay về hướng nam, trước điện là giếng tròn và cột cờ, trên sân rộng phía trước có xây các nhà bia, nhà trống, nhà chiêng, kiến trúc kiểu bốn mái hai lớp. Chúa Liễu và hệ thống Tứ Phủ được thờ ở tòa điện trong cùng, Mẫu Thượng Thiên hóa thân thành Liễu Hạnh thờ ở trung tâm, bên trái là Mẫu Thoải, bên phải là Mẫu Địa, phía trước là Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc Phủ).
Tại làng Vân Cát, cách không xa phủ Giầy có kiến trúc phủ Vân Cát. Phía trước đền có hồ bán nguyệt, nối với bờ bằng cầu đá, chạm trổ rất công phu. Phủ Vân có Ngũ Môn và bốn cung, trung tâm thờ Chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải thờ Lý Nam Đế.
Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Cung đệ tứ được tập trung các nghệ thuật trạm khắc tinh vi, thể hiện các đề tài: hổ phù, lân hí cầu và rồng phượng, vân ám, các bức cốn, mê nách được trạm khắc theo các chủ đề “ngũ phúc”, “tứ linh”, “tứ quí”.
Hệ thống cửa “Ngọ môn” xây dựng theo kiểu chồng diêm ba tầng, với hàng chục cột trụ, 5 gác lâu, tường hoa bao quanh nhiều văn bia đặt dưới cổng Ngọ môn ghi chép về việc Bà Chúa Liễu giáng sinh, và sự đóng góp tiền của xây dựng công trình đền, Phủ Vân qua năm, tháng của nhân dân.
Phía ngoài ngọ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà Thuỷ lâu, ba gian, mái cong. Công trình này được gia công rất công phu, từ viên đá “Cẩn qui” ghép móng, hệ thống lan can với các hoạ tiết “tứ linh, tứ quí” đến hai cầu đá bắc qua hai đầu hồ vào thuỷ lâu cung thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân xưa. Phủ Vân còn có hệ thống cánh võng chạm khắc, và sơn son thiếp vàng công phu thể hiện đề tài hoa lá cách điệu.
Lăng Bà Chúa Liễu, được xây dựng vào năm 1938, theo lời kể của người già, thì lăng Bà Chúa được xây dựng do Nam Phương Hoàng Hậu hưng công. Lăng được thiết kế xây dựng bằng đá xanh, trên bình diện 625 m2, gồm 5 vòng đường kính vuông, mỗi cạnh dài 24m. Mỗi vòng đường đều để 4 cửa vào lăng theo 4 hướng: Đông – Tây – Nam – Bắc. Các cửa đều có trụ cổng, trên đặt bông sen chúm chím nở. Năm vòng đường có 5 độ cao khác nhau, để tạo những mảng sân bậc thang bao quanh lấy phần mộ. các vòng tường bao được trạm khắc công phu theo từng chủ đề, từng vị trí thích hợp như: Chấn song con tiện, chữ thọ, cẩm qui, chữ Vạn nổi…
Toàn lăng có 60 búp sen hồng trông xa dáng như một hồ sen cạn. Cũng trong khu lăng còn có hai toà phương đăng bằng đá xanh được xây dựng rất công phu. Đây là nơi đặt bàn thờ Công chúa và văn bia ca ngợi công đức của Bà.
Có thể nói toàn bộ khu di tích Phủ Giầy có giá trị rất cao về trình độ kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đến với Phủ Giầy là đến với một di tích hoàn chỉnh yếu tố tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Và, cũng là thăm một di sản văn hoá đã được nhà nước Việt Nam thừa nhận, theo quyết định số 09 VH – QĐ, năm 1975.
Bài tập môn Tuyến điểm – sinh viên K20 – Khoa Du lịch – Đại học Văn Lang