BÀI GIỚI THIỆU VỀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC –
tham khảo cho các tour cộng đồng Tây Nguyên, Tây Bắc
Trong quá trình đi tour hay đi giảng dạy, nhiều hướng dẫn viên hoặc sinh viên ngồi trên ghế nhà trường gặp không ít khó khăn khi bốc thăm trúng chủ đề hoặc đi các tour “hơi hướng về du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số”. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho hướng dẫn viên không mặn mà lắm với các tour Tây Nguyên. Qua thời gian 20 năm công tác, xin đóng góp kinh nghiệm của bản thân để các hướng dẫn viên, sinh viên có thể tiếp cận với đồng bào dân tộc và xây dựng bài thuyết minh hay bài tập ‘dễ dàng hơn”.
Theo GS Đặng Nghiêm Vạn trong cuốn “Văn hóa Việt Nam đa tộc người”, thầy đã nêu ra các hướng tiếp cận mà ta có thể tham khảo:
- Văn hóa kinh tế: đó là hình thức canh tác hay “nền kinh tế” của họ; họ trồng lúa hay nương rẫy; họ trồng ruộng nước hay ruộng khô để rồi mới có thể giải thích ruộng bậc thang hay tại sao lại xây hồ giữ nước hoặc làm những cọong nước; guồng nước hay dẫn nước bằng ống tre nứa. Nếu họ không đi theo trồng trọt thì họ làm nghề phụ; nghề thủ công truyền thống gì; và phương thức họ trao đổi hàng hóa như thế nào? (chợ phiên, chợ lùi, v.v…).
- Văn hóa vật chất: tóm gọn là ăn – ở – mặc – di chuyển ra sao? Nhà cửa xây dựng thế nào? Nhà rông – nhà sàn – nhà dài? Mái lá, trình tường hay nhà tranh vách đất? Kèo cột hay gian chái? Cá nhân hay tập thể xây dựng? Rồi họ ăn món gì? Uống rượu gì? Thức ăn và rượu uống được chế biến thế nào? Họ mặc quần áo thế nào? Đóng khố hay mặc quần, mặc váy? Áo chui đầu hay áo cài nút? Đeo trang sức gì? bằng vàng hay bạc? Họ đi lại bằng phương tiện nào? xe ngựa, voi, xe trâu hay thuyền độc mộc, thuyền buồm.
- Tổ chức xã hội: làng xã được tổ chức thế nào? già làng hay lang đạo, thổ ty, chủ đất? Trung tâm của làng là gì? Có chế độ dòng họ hay không? Mẫu hệ hay phụ hệ?
- Văn hóa tinh thần hay văn hóa phi vật thể: là tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, văn tự, văn học, nghệ thuật. Đó có thể là lễ hội,tang ma cưới hỏi; là âm nhạc thơ ca; là nhạc cụ hay tiếng nói, chữ viết, điệu múa, v.v…
Không nhất thiết phải gom hết vào bài thuyết minh, chỉ cần 1 hướng nhỏ, đi tìm câu trả lời thì bạn đã có thể tạo bài thuyết minh hiệu quả. Sắp xếp những câu trả lời một cách hợp lý, hấp dẫn, lôi cuốn, khéo léo lồng ghéo thêm những câu chào, câu nói ngắn, dễ hiểu, dễ học để tăng phần kích thích sự tò mò của du khách nhằm làm phong phú, đa dạng hơn cho bài thuyết minh của mình. Dưới đây là một trong số những sách các bạn có thể tham khảo:
1. Văn hóa Việt Nam đa tộc người – Đặng Nghiêm Vạn.
2. Văn hóa tộc người Việt Nam – Nguyễn Từ Chi.
3. Từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ Văn hóa tộc người – Phan An (Chủ biên).
4. Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên – Linh Nga Niê Kdam.
Hoặc một loạt sách được in hay dịch về kho tàng Tây Nguyên, nói rõ từng dân tộc hoặc những sách của những học giả người Pháp nay được dịch để gia tăng kiến thức cho hướng dẫn viên.
P/s: Lại viết dài trong “nỗi nhớ” đồng bào dân tộc Tây Nguyên.