Vương quốc Vijaya – Tháp Cánh Tiên – chùa Thập tháp

Vương quốc Vijaya – Tháp Cánh Tiên – chùa Thập tháp – điểm đến mới của Bình Định!

Trong chuyến đi Bình Định, tôi đã lần tìm theo dấu xưa để đến những nơi không nằm trong chương trình tham quan. Và nơi đó, tôi đã được chiêm ngưỡng: chùa Thập Tháp và Tháp Cánh Tiên.

Sắc tứ Thập tháp Di Đà tự – Thiền sư Nguyên Thiều (1648 – 1728) tổ Lâm Tế đời thứ 33; tổ đầu tiên truyền dòng Lâm Tế vào miền Trung Việt Nam. Vào thời mà các chúa Nguyễn ra sức hộ trì Phật giáo, Thiền sư Nguyên Thiều đã mời nhiều vị cao tăng từ Trung Hoa đến Việt Nam xây chùa hoằng pháp. Đơn cử như Minh Hoằng Tử Dung theo Nguyên Thiều đến Việt Nam năm 1690, lập chùa Ấn Tôn – tức chùa Từ Đàm hiện nay (Huế). Chính Minh Hoằng Tử Dung là Sơ tổ và là thầy của Thiền phái Liễu Quán sau này.

Thiền sư Nguyên Thiều là đời thứ 33; Minh Hoằng Tử Dung là đời thứ 34. Tất cả theo bài kệ dưới đây:
“Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hạnh SIÊU MINH THIỆT (hay THẬT) Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không”.
Nguyên Thiều còn gọi là Siêu bạch trong câu SIÊU nói trên. Còn Minh Hoằng Tử Dung trong chữ MINH. Ngài Liễu Quán là chữ THIỆT nên ngài được gọi là THẬT DIỆU Liễu Quán (1667 – 1742). Giai đoạn này Liễu Quán còn tu học với Thiền sư Thạch Liêm của phái Tào Động cũng được chúa Nguyễn mời về làm lễ trai đàn tại chùa Thiên Mụ.

Theo bài kệ của Thiền sư Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674) – Tổ đời thứ 31:
“Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên
Minh như hồng nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chân đăng vạn cổ huyền”.

Nguyên Thiều thuộc chữ NGUYÊN (đời 33); trong bước đường hoằng hoá, sư vào chùa Kim Cang (Đồng Nai) từ đó, xuất hiện những vị Thiền sư cũng như ngôi chùa nổi tiếng như chùa Đại Giác ở Đồng Nai. Trong số các thiền sư này, đáng chú ý là câu đầu tiên: Đạo bổn nguyên thành phật tổ tiên. Đó là Nguyên Thiều Siêu Bạch – Thành Đẳng Minh Lượng – Phật Ý Linh Nhạc – Tổ tông Viên Quang – Tiên Giác Hải Tịnh. Chính Viên Quang là người giúp Lý Thuỵ Long lập chùa Giác Lâm 1744 và Hải Tịnh là thiền sư lập chùa Giác Viên.

Đến Thập tháp là nơi phát xuất của Lâm Tế còn lưu truyền đến bây giờ, xin phép cảm tác vài ý trên.

Thành Đồ Bàn

Các thông tin dưới đây trích từ cuốn “Thành cổ Chămpa – Những dấu ấn của thời gian” của tác giả Ngô Văn Doanh do NXB Thế giới in năm 2011. Trong chương IV, từ trang 179 đến trang 202 với tựa chương: “Chà Bàn – toà đô thành thiêng cuối cùng của Chămpa”. Xin tóm lược dưới đây:

1. Sau khi Lê Đại Hành thân chinh chinh phạt Indrapura năm 982, các vương triều Chămpa đã dời đô vào Vijaya, bằng chứng là vương hiệu đều có tên Vijaya Sri. Tuy nhiên, thành này còn đơn sơ mà theo Ngô Văn Doanh chính là thành cũ trên nền Đồ (Chà) Bàn.

2. Năm 1069, Chế Củ (Rudhavarman II) bị vua Lý Thánh Tông bắt, phải chuộc bằng 3 châu: Địa Lý; Ma Linh và Bố Chính thì vương triều xây dựng Đồ Bàn bắt đầu dưới thời Harivarman IV năm 1074.

3. Thành bị tàn phá nhiều từ năm 1471 thời vua Lê Thánh Tông; giai đoạn 2 là thời Tây Sơn Nguyễn Nhạc dựng thành Hoàng Đế và tồn tại suốt 20 năm 1778 – 1799.

4. Theo nhà nghiên cứu G. Coedes, “nó là sự mô phỏng thu nhỏ cái thế giới hoang đường theo vũ trụ luận của Hindu giáo, nghĩa là một mô hình nhỏ bé hay một tiểu vũ trụ của Đại vũ trụ”. Như vậy, thành Đồ Bàn và Angkor Thom là một trong những đô thành thiêng chuẩn mực nhất thời cổ của khu vực Đông Nam Á. Nếu trung tâm của đô thành Ăngkor Thom là ngôi đền tháp Bayon đồ sộ thì Đồ Bàn chính là tháp Cánh Tiên. Đó là thần sơn Meru là tháp Cánh Tiên ở đồi cao, chính giữa thành. Dinh thự vua chúa ở phía Tây. Bao quanh là các đền tháp Phú Lốc, Dương Long, Thủ Thiện và khu 10 tháp mà vết tích của nó chính là nền của chùa Thập Tháp Di đà.

5. Thành Đồ Bàn là đô thành thiêng, nghĩa là không có dấu tích của khu thương mại, mua bán mà chủ yếu thành Đồ Bàn là các công trình tôn giáo tức là đô thành đóng vai trò như một trung tâm tôn giáo, chính trị và văn hoá.

6. Thành Đồ Bàn còn hợp phong thuỷ phương Đông: sông Đập Đá tách ra rồi nhập lại bao bọc toà thành gọi là “núi vây sông bọc”. Thành tựa vào núi Long Cốt; một bên là núi Tiên Tĩnh (hay gọi là núi Mò O) tức núi con quạ hay diều hâu; phía Bắc là núi Bố Chính và Thạch Bàn có vảy như Kỳ Lân; xa xa là Cù Mông hùng cứ. Vậy là lưng tựa núi; mặt hướng biển; vây quanh là “Tứ thần sa” (Chu tước, Huyền Vu; Thanh Long; Bạch Hổ).

7. Tháp Cánh Tiên nằm ngay trung tâm đô thành và cổng chính của Thành cũng hướng và cửa chính phía Đông của tháp.

8. Tháp Cánh Tiên thuộc nhóm ít thấy trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm – khu đền chỉ có 1 tháp. Kết hợp với các hoa văn hình hoa lá các góc tường, Tháo trông như ngọn lửa rực rỡ bùng cháy giữa trời. Cột ốp bằng đá sa thạch chứng minh giai đoạn đầu khi Chămpa cùng lúc sử dụng 2 chất liệu để xây dựng tháp.

Như vậy, tháp Cánh Tiên có chức năng không giống các tháp trước đó hoặc sau này để thờ các vị thần Hindu. Bên trong tháp không hề có bộ Linga – Yoni. Phối cảnh với các tháp chung quanh, nếu so cùng thời thì giống đô thành thiêng Ăngkor Thom với đền tháp Bayon. Đây là nơi tích tụ linh khí thiêng liêng của cả vương quốc với tháp phía Đông; vua quý tộc phía Tây như sự kết hợp giữa vương quyền – thần quyền. Chỉ làm chức năng thờ cúng, tập trung lễ bái của vua khi còn sống (khác với Mỹ Sơn là khi vua chết trở thành thần). Các vua sẽ tiến hành nghi lễ với sự chứng kiến và hợp nhất của các vị thần tại đỉnh núi thiêng (giống đàn Nam Giao Việt Nam). Mọi sự mua bán trao đổi hay kinh tế tập trung tại thương cảng Thị Nại.

P/s: Cám ơn các anh chị đã đọc. Ngô Văn Doanh còn cuốn: “Tháp cổ Chămpa – Sự thật và huyền thoại” nữa. Các anh chị nên đọc sách hơn là xem wiki hay google, giúp ích cho các anh chị nhiều hơn!