Tóm tắt những cột mốc lịch sử của vương quốc Phù Nam
Sự dịch chuyển các trung tâm ở Đông Nam Á
- Đã có sự dịch chuyển hoạt động thương mại từ trọng tâm là thương cảng Óc Eo ven bờ biển Tây Nam xuống khu vực Malacca (Malaysia) và Sumatra (Indonesia) từ khi xuất hiện nhà nước Srivijaya (một phần đất thuộc Mã lai và đảo Java xưa kia) và nhất là khi nó đóng vai trò đế chế hải thương của cả khu vực thì tên tuổi Phù Nam bị lu mờ và biến mất. Cần nói rõ thêm, nhà nước Srivijaya là một dạng liên minh kiểu Mandala gồm nhiều nhà nước cổ hình thành khoảng thế kỷ thứ 8. Sự thịnh vượng của liên minh này nằm ở mặt thương mại trên biển, trung chuyển buôn bán giữa Ấn Độ, Ả Rập với Trung Quốc.
- Sự bành trướng của nhà nước Srivijaya ra cả vùng Đông Nam Á trong đó không thể không nói tới đến các cuộc tấn công vào Kauthara và Ponagar. Khi đó, năm 757, trung tâm chính trị của Chăm Pa (kinh đô Sinhapura) đã chuyển từ Trà Kiệu xuống khu vực Panduranga và Kauthara, với kinh đô Virapura (Phan Rang) và thánh địa tôn giáo ở quanh quần thể đền tháp là Tháp Po Nagar (Nha Trang). Lưu ý trong thời gian này, văn hóa Ấn Độ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh hoạt của người Chăm, đạo Bà La Môn đông đảo người theo, Theravada (Phật giáo nguyên thủy) phát triển mạnh mẽ, nhiều đền đài xây dựng (Amavarati – Mỹ Sơn; Sinhapura – Trà Kiệu…)
+ Năm 774, Srivijaya tấn công Chăm pa, đã phá hủy Kauthara, đốt đền thờ Po Nagar, và mang đi tượng Shiva. Vua Chăm pa đã dựng bia tại Po Nagar, tuyên bố đã chiến thắng và kiểm soát toàn bộ khu vực và đã dựng lại đền.
+ Năm 787, Srivijaya tấn công Chăm pa lần nữa và đốt phá đền thờ Shiva ở gần Panduranga. Năm 799, vua Indravarman I mới đánh đuổi được quân nhà nước Srivijaya.
+ Harivarman I tiến vào vùng Đồng Nai, đánh bại Khmer và kiểm soát một vùng rộng lớn (năm 803 và 817). Sau khi ông mất, con trai ông lên kế vị vùng Panduranga và mở nhiều cuộc tấn công, phá nhiều thành vùng thuộc Khmer.
=> Champa thời đó nổi lên là một thế lực thương mại hàng hải với đội thủy thủ tài ba và kỹ thuật đóng tàu ưu tú, rõ ràng là mối đe dọa với quyền thống trị thương mại hàng hải của Srivijaya trong khu vực. Đây có thể là nguyên nhân của các cuộc tấn công.
Tác giả: Trần Thị Lam Giang.
Giai đoạn chuyển tiếp Phù Nam – Chân Lạp
Cuối thế kỷ V (480 – 540), Nam Tề thư – (thời Ngũ đại Tống – Tề – Lương – Trần) có nhắc đến vị vua vĩ đại của Phù Nam là Jayavarman (475 – 514). Chúng ta lưu ý là tất cả các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn độ thì các vị vua đều có các tên giống nhau, cho nên có thể sử dụng tên gọi Jayavarman – Phù Nam hay Jayavarman Champa hay Jayavarman của Angkor để tránh nhầm lần; trong bài là vị vua của Phù Nam.
Ông được xem như người có công trong việc xây dựng thời kỳ huy hoàng của Phù Nam, được vua Trung Hoa kính nể; thậm chí còn có ý định trừng phạt Champa do đã dung túng một kẻ tiếm ngôi. Ngoài ra, ông chính là cha của Gunavarman – người đã xây dựng nên tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” nghĩa là cải tạo đất, tháo nước cho khô ráo diệt cỏ, phù sa sông Cửu Long bồi đắp hàng năm tạo nên Đồng Tháp Mười ngày nay (trích Đặng Văn Thắng). Rất tiếc, sau khi vua cha Jayavarman mất 514, bản thân ông cũng bị truất ngôi bởi người anh em của mình – Rudravarman (chú ý, Champa vẫn có tên vị vua trùng tên).
Thế nhưng, chính Rudravarman lại là người đặt nền móng đầu tiên cho nước Cao Miên tiền Angkor (theo Coedes) khi bia ký thế kỷ VII gọi ông là tiền bối của Bhavavarman I, nhà vua đầu tiên của nước Cao Miên tiền Angkor.
Danh hiệu của vua Phù Nam được các chư hầu tôn xưng là “vị quân vương toàn cõi” và thông qua việc kết hôn với công chúa Chân Lạp đã khiến Bhavavarman đã trở thành sự kết hợp hoàn hảo, bắt đầu cho sự xuất hiện của một vương triều thay thế. Tuy nhiên, sự suy yếu của Phù Nam cuối thế kỷ VI, Bhavavarman đã cùng em là Chitrasena tấn công Phù Nam trong giai đoạn 540 – 550. Nước Phù Nam phải dời kinh đô của họ từ thành Đặc Mục – nay thuộc tỉnh Prey Veng, Campuchia đến tiểu quốc Na Phật Na – tức là thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang.
Nói đến đây chắc quý vị cũng hình dung về khu di tích Óc Eo hay văn hóa Óc Eo lừng danh – tiểu quốc Na Phật Na (Angkor Borei) từng được chọn là kinh đô của Phù Nam cho thấy sự hưng thịnh, phát triển của tiểu quốc này cộng với điều kiện kinh tế, dân cư thế nào để được “vị quân vương toàn cõi” Phù Nam chọn làm kinh đô thay thế cho “Thành phố của người đi săn” Vyadhapura – Đặc Mục. Angkor Borei nằm trên lãnh thổ nước bạn Campuchia nhưng vẫn có dấu tích của con kênh nối liền Angkor Borei và Óc Eo. Và chính nơi đây, Na Phật Na – Óc Eo đã trở thành nơi lưu dấu cuối cùng của những vị vua Phù Nam trước khi biến mất hoàn toàn.
Như vậy, khu di tích Gò Tháp gắn với vị hoàng tử Gunavarman và khu di tích Óc Eo gắn với kinh đô của Phù Nam. Đó là lý do thôi thúc lần theo dấu vương quốc Phù Nam.