Người Phù Nam tôn thờ thần VISHNU
Trên vùng đất cổ của Phù Nam, các tiểu quốc của Champa như tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” và tiểu quốc Na Phật Na có rất nhiều tượng thần Vishnu được tìm thấy ở các di tích, di chỉ khảo cổ. Đó là: Khu di tích Gò Tháp và khu di tích Óc Eo.
Các tượng Vishnu được tìm thấy dưới nhiều hình dạng, chất liệu, tư thế khác nhau đã cho thấy một tôn giáo, nói đúng hơn, người Phù Nam đã chọn lọc một vị thần Tối cao cho riêng mình, một trong số “tam thần nhất thể“: Thần Vishnu để thông qua đó, ta có thể nói: tôn giáo chính của người Phù Nam là Vishnu giáo. Không phải là không có những tượng thờ hay hình ảnh khác của các vị Shiva hay Brama nhưng tỉ lệ tượng thờ Vishnu nhiều vô kể, nhiều tư thế và hình ảnh đã đưa Vishnu trở thành vị thần chủ và các câu chuyện về thần Vishnu được mô tả, kể lại qua những tác phẩm điêu khắc tượng thờ của người Phù Nam.
Nếu như người Champa với số lượng tượng thờ, đền thờ, biểu tượng như bò Nandin hay bộ sinh thực khí linga – yoni phổ biến thì Vishnu lại được tạo hình khá đầy đủ trong văn hóa Phù Nam. Chỉ số ít tượng thần Vishnu được tìm thấy như ở tháp Khương Mỹ – Quảng Nam thế kỷ X với đồ trang sức đeo trên người và sampot có vạt xõa xuống chân (khác với tượng Vishnu không có đồ trang sức của Phù Nam). Nếu nhìn kỹ, Vishnu chỉ đồng nghĩa với các vị thần Hộ pháp (Dravapala) trong các đền thờ Champa. Còn các kỳ tích của Vishnu trong Sử thi Ramayana chỉ được thể hiện qua những bức chạm tại thánh địa Mỹ Sơn hay đài thờ Trà Kiệu đang trưng bày tại bảo tàng Điêu khắc Chăm (theo Phan Anh Tú).
Phù Nam có lãnh thổ kéo dài và rộng lớn đến miền duyên hải Thái Lan do đó ảnh hưởng Vishnu giáo cũng không nhỏ. Sau khi Phù Nam sụp đổ, người Khmer kế thừa thành tựu điêu khắc của Phù Nam nhưng nguồn gốc ban đầu vẫn là theo Shiva giáo cho nên họ cố gắng dung hòa hai hệ phái Vishnu – Shiva là một. Đó là giai đoạn tiền Angkor. Một quy luật được thừa nhận bởi các nhà khoa học, nhất là Văn hóa học đó là “kẻ xâm lược luôn đến từ phương Bắc và họ sẽ bị ảnh hưởng bởi chính văn hóa của dân tộc bị xâm chiếm”.
Điều này đã diễn ra khi La Mã xâm chiếm và bị văn hóa Hy Lạp hấp dẫn; Aryan xâm chiếm Dravida nhưng lại bị văn hóa Dravida hấp dẫn. Người Khmer kế thừa Phù Nam với gốc Shiva; cố gắng dung hòa hai hệ phái nhưng lại tạo ra tượng Vishnu nhiều hơn Shiva.
Đến cuối thế kỷ X, Vishnu giáo trở thành tôn giáo chủ đạo của vương quốc Angkor. Vua Yashovarman I (889 – 900) đã cúng dường một pho tượng thần Vishnu cho ngôi đền Prasat Komnap. Thậm chí, từ Vishnu 4 tay như Phù Nam thì thời đại Angkor còn có Vishnu 8 tay trong tư thế như đang múa (nếu không rõ sẽ dễ nhầm đây là Điệu múa Vũ trụ của thần Shiva). Tương tự, Thái Lan chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ thông qua trung gian người Khmer để rồi thần Vishnu cũng được xem như thần Bảo tồn vũ trụ, hóa thân của nhà vua trên trần thế, người bảo vệ cho quốc gia, tôn giáo và thần dân trên đất nước.
Xin thông tin sơ lược để quý vị thấy sự bành trường về lãnh thổ và Vishnu giáo của Phù Nam. Điều tuyệt vời là trên đất nước chúng ta, số lượng di tích khảo cổ và hiện vật để chứng minh một đế chế hùng mạnh, phát triển, một quốc gia Ấn độ hóa (theo Coedes) lại để lại kho tàng vô giá tại Việt Nam.