Lần theo vương quốc Phù Nam
Từ khi ngồi trên ghế nhà trường học chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch, tôi đã bị thôi thúc bời cái tên Óc Eo và Phù Nam. Nhiều lần tìm đọc những trang sách xưa để tìm về một vương quốc hay đúng hơn là một “đế quốc” ở Đông Nam Á mà các thuộc quốc hay chư hầu kéo dài đến tận bán đảo Mã Lai. Kiến thức về Champa tương đối nhiều; tài liệu thuyết minh cũng có; thế nhưng, về Phù Nam thì lại ít được quan tâm. Phải chăng đó là đất nước nào đó xa xôi và không liên quan gì đến Việt Nam hay các vùng liên quan?? Rồi chủ nhân của thánh địa Cát Tiên là ai? Người ta chỉ biết đến mùa sen hay Tháp Mười của Võ Duy Dương chứ không để ý đến di tích Gò Tháp của một tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy”. Và nhất là Cảng Thị Óc Eo như một trung tâm rực rỡ của Phù Nam với tên gọi: Tiểu quốc Na Phật Na (Naravara Nagara).
Tử những tò mò ban đầu, tôi đã tự tìm hiểu và được khai sáng qua các công trình nghiên cứu về Phù Nam, từ kỷ yếu hay kỷ yếu Hội thảo Văn hóa Óc Eo cho đến khi cầm trên tay công trình của PGS. TS Đặng Văn Thắng: “Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam Bộ” và “Các trung tâm tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ” để rồi thật hạnh phúc, tự hào khi trên lãnh thổ Việt Nam có đến 3 tiểu quốc: tiểu quốc Cát Tiên; tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” và tiểu quốc Na Phật Na.
Một vương quốc Phù Nam hình thành từ thế kỷ thứ nhất và gần Ấn Độ hơn so với Champa nên ảnh hưởng rõ nét hơn hẳn khi còn những người Ấn Độ – thậm chí là quý tộc đến vương quốc này. Tôn giáo thì phần Phật giáo còn rõ nét nhiều hơn so với Hoàn Vương – Đồng Dương của Champa. Ngoài ra, cả hai Phù Nam và Champa đều có các vị vua được phiên âm họ Phạm như Phạm Sư Mạn (220 – 225) – Phù Nam với Phạm Hồ Đạt (380 – 413) – Champa nhưng Phù Nam vẫn còn một vị vua đến từ Ấn Độ là Chandana (Trúc Chiên đàn).
Vậy đó, tôi sẽ trình bày những gì tôi lượm lặt được để gửi đến các bạn, biết đâu đó sẽ giúp các bạn thêm thông tin hay hướng tìm hiểu về những tiểu quốc thuộc Phù Nam. Chất liệu đã có còn xây dựng thành bài thuyết minh như thế nào cho khách nội địa, “inbound” hay “outbound” là do các hướng dẫn viên chúng ta. Ước mơ được đến những thánh địa khảo cổ này, được nhìn, được nghe tận tai tận mắt để minh chứng cho thời kỳ vàng son rực rỡ của một vương quốc – vương quốc Phù Nam.
Chắc hẳn mọi người đều thu hoạch kiến thức về vương quốc Phù Nam cho riêng mình. Người thích tôn giáo sẽ thu hoạch về tôn giáo: Vệ đà – Bà La môn – Hindu hay Shiva giáo rồi Vishnu giáo. Người thích kiến trúc sẽ tìm về kiến trúc. Người thích những viên gạch từ Phù Nam đến Chân Lạp rồi Chămpa hay sự khác nhau giữa 4 loại gạch: sét, sét pha sạn, sét pha sỏi; sét pha cát mịn. Loại 1 – loại 2: có màu đỏ; loại 3 – 4 có màu xám.
Riêng tôi, tôi tâm đắc với câu nói của thầy: “Nhận thức là cả quá trình”. Đó là:
– Giới học giả phân biệt rất rõ: đền – tháp. Cụ thể: đền thờ thần, bao gồm Nhân thần như Thành hoàng, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trung Trực, Trương Định,… và Nhiên thần (Tự nhiên) như Cá ông, sông núi, rừng cây. Còn Tháp hay còn gọi là stupa hay Phù đồ là nơi dành cho Phật. Nói cách khác, Tháp có thể là công trình tôn giáo hoặc một phần của công trình tôn giáo như Tháp Pisa hay tháp chuông nhà thờ. Và cũng vì khái niệm Tháp này mà khiến chúng ta bị “tự cho là”, “mặc nhiên” hay “mặc định” là tháp phải cao lớn. Cho nên, ngay cả tháp Eiffel cũng quy về định nghĩa như thế.
– Trên cơ sở đó, các học giả cho gọi các công trình tôn giáo của Chămpa hay Chân Lạp hay Phù Nam là đền thờ thần Shiva hay Vishnu thì đúng hơn là dùng từ THÁP.
– Nhiều người trong đó có HDV mặc định cho rằng đã gọi là đền thì phải cao to rộng rãi, hoành tráng như đền Taj Mahal hay các đền thờ thần trong văn hoá Hy – La. Nhưng quên mất rằng, có một loại đền nguyên thuỷ sơ khai nhất. Đó là “Hypaethral”, đền thờ có thể là: 1 cái cây to mà con người đứng dưới tán cây cầu nguyện; đó có thể là một mảnh đất vuông hay tròn, bằng phẳng hoặc được lát gạch, lát đá hoặc tạo hình trên mặt phẳng, không tường cao, cột trụ và đó cũng là một đền thờ.
Chính sự “tự cho là – assumption” này đã giết chết cách suy nghĩ khiến chúng ta cứ bị theo lối mòn suy nghĩ mà kiềm chế sự sáng tạo. Không phải cứ đền tháp là phải cao lớn, hoành tráng mà nó có thể chỉ là một gò, đồi cao được san phẳng để làm nơi thờ cúng thần linh của cả vương quốc hay của một dân tộc. Ví như: Gò Minh Sư, Gò Tháo Mười hay Gò Cây Thị.
Muốn nghiên cứu tìm tòi; trước hết hãy bỏ đi những chấp ngã, những gì ta biết về vấn đề nghiên cứu trước đó để có thể học được nhiều hơn. Giống như 1 ly nước đầy thì không còn chỗ chứa cho những món ngon khác.