Mục lục
Thần Vishnu tôn kính trong thời kỳ Phù Nam
Thần Vishnu là ai?
1- Một trong ba vị thần của Bà la môn và Ấn độ giáo (Hindu) cùng với Shiva và Brahma.
2- Là người sinh ra Brahma trong khi nằm ngủ trên thân rắn thần Nagar trôi dạt trên biển sữa. Thần Brahma sinh ra từ hoa sen từ rốn của Vishnu và bắt đầu công việc sáng tạo.
3- Vishnu được mô tả với hình dáng chàng trai tuấn tú, màu xanh cam, có 4 tay, mỗi tay cầm các vật biểu trưng: cây chuỳ – biểu tượng cho sức mạnh của kiến thức, vỏ ốc tù và – nguồn gốc sự sống, bánh xe – quyền năng sáng tạo và huỷ diệt, hoa sen – biểu tượng của mặt trời và liên quan đến cây đời sống mọc ra từ lỗ rốn của thần.
4- Vợ thần là nữ thần Laksmi (nữ thần giàu có và may mắn) – vật cưỡi của thần là Garuda (Kim Sí điểu).
Người ta thường cho rằng thần Vishnu có 10 hoá thân. Đó là :
1- Mastya: Con cá từng bảo vệ cho Manu, thuỷ tổ loài người trong cơn đại hồng thuỷ.
2- Con rùa Kurina (kurma): chở hòn núi Mandara trên lưng trong khi khuấy đảo biển sữa.
3- Varaha: Con heo rừng đã cứu cả trái đất.
4- Narasimha: hoá thân sư tử vương giết chết con quỷ Hiranyakashipu – hiện thân của Ravana.
5- Chàng lùn Vamana: cứu thế giới khỏi tay con quỉ Bali
6- Parasurama: người tạo ra tầng lớp Satđếlỵ mới.
7- Hoàng tử Rama: nhân vật chính trong sử thi Ramayana của Ấn Độ.
8- Thần Krisna: vị thần tài năng với cây sáo mê hồn.
9- Sakya Muni (Đức Phật): cứu giúp những kẻ xấu lầm đường lạc lối trở về đường chính.
10- Kalkin (Kali Yuga) : Hoá thân thứ 10 này sẽ hiện ra cuối kỷ nguyên hiện tại để lập ra kỉ nguyên mới.
Theo thứ tự, từ cá – bò sát – thú – chú lùn – con người – thần nhân – đấng sáng tạo tương lai.
Thần Vishnu trong vương quốc Phù Nam
Ban đầu, chỉ nghe đến các cụm từ tôn giáo Ấn độ như Vệ đà – Bà La môn hay Hindu, mãi đến khi các tôn giáo du nhập các quốc gia cổ đại ở Đông Nam Á thì mới xuất hiện một kiểu tôn giáo có tên gọi gắn với vị thần – được tiểu vương và thần dân của vương quốc đó chọn là Đấng tối cao, Đấng cứu thế, thần đứng đầu trong Tam vị thần linh, đó là: Vishnu giáo và Shiva giáo. Trường hợp Phù Nam và Champa có thể được xem như tiêu biểu cho trường hợp này. Về địa lý, Phù Nam gần Ấn độ hơn so với Champa. Giống như ta ném viên đá xuống hồ nước thì những làn sóng sẽ tỏa ra xung quanh, tuy nhiên, càng đi xa làn sóng càng yếu dần đi. Trong trường hợp này, đó chính là làn sóng văn hóa, cụ thể tôn giáo.
Nếu khoảng cách địa lý làm cho Phù Nam gần Ấn độ hơn thì ngoài việc tổ chức bộ máy nhà nước theo kiểu thành bang (city state) của Ấn độ (theo G. Coedes), Phù Nam còn có vua có gốc Ân độ như Kaudinya và còn đầy đủ các tôn giáo nguồn gốc Ấn độ. Cho nên, Phù Nam còn lưu trữ khá đầy đủ các tượng thờ thể hiện tôn giáo chính của vương triều mình trong lịch sử đồng thời để lại một kho tàng đồ sộ trải dài trên lãnh thổ Campuchia và nhất là 3 tiểu quốc tại vùng đất phía Nam của Việt Nam: Tiểu quốc Cát tiên, Tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” – Gò Tháp và Tiểu quốc Na Phật Na – Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang.
Người Phù Nam tạc tượng Vishnu từ sớm nhất dưới dạng tượng tròn, chỉ riêng mình thần và giữ nguyên nghệ thuật tạo hình truyền thống của Ấn độ khi mô tả thần Vishnu là một nam nhân có nước da màu xanh với 4 cánh tay cầm 4 vật biểu tượng: Con ốc gai (Shankha), cái đĩa (Chakra), cây chùy (Gada) và hoa sen (Padma);
Lưu ý: đôi khi hoa sen được thay bằng cây cung (Pinaka) hay thanh kiếm. Đặc biệt, các pho tượng Vishnu Phù Nam luôn thể hiện thần với khuôn mặt trầm tưởng, đôi mắt hình hạnh nhân, đầu đội mũ tròn, thân thể cường tráng mặc trang phục kiểu sarong dài đến ống chân, đôi khi có trang trí hoa văn. Điểm dễ nhận biết thần Vishnu Phù Nam đó chính là không thấy xuất hiện đồ trang sức cho thần.
P/s: bài viết có tham khảo công trình Điêu khắc thần Vishnu và Shiva trong văn hóa Đông Nam Á của TS. Phan Anh Tú nhằm giúp quý vị phân biệt Shiva – Vishnu. Hãy đến với Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và Khu di tích Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để một lần chứng kiến tận mắt hình tượng Vishnu của Phù Nam.