Làm sao để dám nói trước đám đông?

Trong quá trình giảng dạy và qua những câu chuyện tâm sự với các hướng dẫn viên mới vào nghề hay các bạn học các ngành khác muốn trở thành hướng dẫn viên, tôi nhận thấy các bạn đều gặp khó khăn khi bắt đầu bài thuyết minh của mình.

Theo các chuyên gia, “nỗi sợ” hay “ám ảnh” những hướng dẫn viên bao gồm nhiều điều. Nhưng theo tôi, dưới đây là:

1. Nỗi ám ảnh thứ 1: Nổi sợ

Đó là không biết điều mình nói ra là đúng hay sai. Thật ra, không chỉ có hướng dẫn viên mới vào nghề mà ngay chính các hướng dẫn viên già dặn kinh nghiệm cũng thường tranh luận gay gắt, thậm chí ra khỏi nhóm vì bất đồng quan điểm. Làm sao để tránh được ám ảnh này?

Ông bà xưa có câu: “nói có sách, mách có chứng”.

Khi thuyết minh, HDV nên nói rõ mình đọc thông tin này ở đâu, tác phẩm, tác giả nào để tránh những tranh luận không cần thiết vì cái chính của chuyến du lịch là tham quan thư giãn, chứ không phải buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ. Khi ta có trích dẫn, tức là ta đứng trên quan điểm của tác giả đó trình bày chứ không phải là ta nói.

Ví dụ: “theo thầy Thích Thanh Từ, trong tác phẩm Mê tín và chánh tín, cho rằng: xem sao, cúng sao giải hạn là mê tín”. Câu thường dùng của các HDV thường nói là: “theo em được biết” hoặc “theo tài liệu mà em đọc” thì chẳng rõ là tác giả nào nói hoặc tác phẩm nào nói và nói trong trường hợp nào.

Theo tôi, đây chính là nguyên nhân gây tranh cãi gay gắt giữa HDV và khách hay giữa các HDV với nhau trên các diễn đàn. Bởi vì, trong khoa học cũng có cái gọi là “quyền uy khoa học” đó là các học giả uy tín, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, chứ không phải từ các tác giả “xa lạ”, ít người biết, có chăng là dạng tài liệu tham khảo thêm. Bởi vậy, có HDV thuyết minh địa đạo Củ Chi mà chưa đọc qua cuốn Củ Chi tunnels hoặc chiến tranh Việt Nam mà chưa xem qua phim của Ken Burns.

Đó là chưa kể, khi tìm hiểu nghiên cứu, các bạn cần “giải trí” và “giải thiêng”. Tức là, những định kiến, thành kiến về vấn đề đó, nếu bạn thật lòng muốn tìm hiểu thì gạt bỏ đi những chấp ngã trước đó, mới mong có “chỗ” cho những điều mới lạ. Việc này giống như đổ bớt nước trong ly nước mới có thể bỏ thêm đá vào. Đồng thời, nếu ta xem có những điều thiêng liêng không thể chạm tới được thì sẽ ngăn cản ta tìm cái mới, nhất là về đức tin, tôn giáo.

Ngoài ra, còn có khái niệm “mỹ học tiếp nhận” đó là mỗi người đều có “chân trời chờ đợi”. Tức là, mình mong đợi hay mình không thích đề tài nào thì mình sẽ không đọc hoặc đọc nhưng tâm trạng “con nhím” tức sẵn sàng xù lông để tấn công hay bảo vệ quan điểm của mình, thậm chí không thừa nhận mặt tốt hay thành quả của người khác. Nên nhớ chân lý luôn có tính tương đối. Những gì mình nói lúc này, ở đây có thể đúng vào thời điểm này nhưng chưa chắc đúng mãi mãi. Cho nên, cần cập nhật thêm những thông tin mới, chọn lọc, chắt lọc những thông tin giá trị để khéo léo lồng ghép vào bài thuyết minh để thành công và gạt bỏ nỗi sợ khi thuyết minh!

“Đại nghi, đại ngộ, tiểu nghi, tiểu ngộ, bất nghi, bất ngộ” – Thiền sư Bạch Ấn.

Nỗi ám ảnh thứ 2: Ám ảnh chân lý

Sau khi chuẩn bị đầy đủ và cặn kẽ cho “ám ảnh chân lý”, ta đã vượt qua trở ngại đầu tiên. Tuy nhiên, mỗi HDV cần tự đánh giá lại mình sau mỗi chuyến đi. Có thể làm đa dạng bài thuyết minh của mình bằng cách ghi chép lại vào cuối ngày, xem ta đã trình bày vấn đề gì, khách có quan tâm hay không, họ có trao đổi thêm hay cung cấp thêm cho ta những thông tin giá trị ban đầu để ta tiếp tục tìm kiếm hay không để lần sau đi đoàn ta lại tìm vấn đề khác thuyết minh về cùng đối tượng đó. Nên nhớ, kiến thức mà không cập nhật thì tính hấp dẫn, hiệu quả sẽ không cao.

Chưa kể, vào mùa cao điểm có thể chúng ta quay đầu liên tục với cùng một chương trình, việc thay đổi đề tài thuyết minh cho cùng một điểm tham quan sẽ hạn chế những ‘nhàm chán”, “tụt hứng” và “lười thuyết minh” trong phong cách làm việc và thành công của chuyến đi. Cho nên, việc lên kịch bản thuyết minh trên đường để có cách dẫn dắt câu chuyện phù hợp và phân phối thời gian, lựa chọn thông tin sẽ thu hút du khách nhiều hơn.

Nỗi ám ảnh thứ hai: “ám ảnh vị trí xã hội”. Đó là, khi ta thuyết minh về cây trà, cây cà phê cho đoàn khách là Tổng công ty Nông nghiệp và kỹ sư nông nghiệp. Hoặc ta sẽ thuyết minh gì về Phật giáo cho đoàn khách là tu sĩ Phật giáo đi tham quan, học tập. Nhất là, các bạn sinh viên thường “khớp” khi đứng thuyết minh trước thầy cô, kể cả khi bạn ra trường, làm HDV rồi mà dẫn đoàn khách thầy cô giáo khác hoặc chính người thầy của mình năm xưa thì cảm giác đó vẫn còn.

Vậy phải làm sao? Lựa chọn thông tin phổ biến, dàn ý rõ ràng, súc tích trình bày những điều cô đọng thú vị để chuyển đến những vị khách của mình. Thậm chí, nếu ta biết vị khách của chúng ta là chuyên gia về ván đề gì đó thì có thể mời họ tham gia để ta và những khách khác có thêm kiến thức. Còn làm sao để biết thì đó chính là “cách tiếp cận” qua trò chuyện, qua hỏi han để ta nắm bắt nhu cầu chính đáng và mong đợi của khách hàng qua chuyến đi. Chỉ có vậy, HDV mới chiếm được tình cảm, trái tim du khách.

Mỗi đối tượng, mỗi người đều có sở trường sở đoản riêng, có cách tiếp cận riêng. Sự kiêu ngạo, tự mãn về học thuật của mình hay nói đúng hơn là thái độ trịch thượng hay tự cho là mình giỏi, tự cho mình có cái quyền coi thường kiến thức người khác, kể cả du khách hay HDV đồng nghiệp thì những người đó không có thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và nhất là giao tiếp và ứng xử xã hội. Chúc các bạn thành công!